SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu quy trình chiết tách Polyphenol có hoạt tính chống oxy hóa từ lá Hồng Sim (Rhodomryrtus tomentosa) – Phú Quốc

[12/09/2022 08:37]

Nghiên cứu này, sự tối ưu hóa đa biến trong quá trình chiết tách polyphenol từ lá hồng sim với sự hỗ trợ của phương pháp đáp ứng bề mặt. Các thông số về nồng độ ethanol, nhiệt độ chiết tách, thời gian chiết tách và tỷ lệ nguyên liệu/dung môi đã được tối ưu hóa.

Theo các mô hình, điều kiện chiết tách tối ưu là: ethanol 90%, thời gian chiết tách 22 giờ, nhiệt độ chiết tách 59oC và tỷ lệ nguyên liệu/dung môi là 1/20 (g/mL). Trong các điều kiện tối ưu, hàm lượng polyphenol chiết tách từ lá Hồng sim là 410,45±2,49 mg GAE/g cao chiết, phù hợp với giá trị dự đoán (409,62 mg GAE/g cao chiết). Cao tối ưu của lá hồng sim có khả năng trung hòa gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picryl-hydrazyl (EC50=11,79 µg/mL). Do đó, lá hồng sim có thể được sử dụng như một nguồn polyphenol tự nhiên mới có các ứng dụng tiềm tàng như chất chống oxy hóa trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Ở Phú Quốc, hồng sim là loài cây rất phổ biến, thường mọc ở ven biển, trong rừng tự nhiên, ven sông suối, trong các rừng ngập nước, rừng ẩm ướt và tại độ cao đến 2400 m so với mực nước biển. Phú Quốc là nơi có vị trí địa lí khá phù hợp cho cây hồng sim phát triển. Cây hồng sim không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho địa phương về du lịch mà quả được dùng làm rượu và nhiều sản phẩm có giá trị khác chẳng hạn như: mỹ phẩm, mứt và thức uống có cồn (Liu et al., 2012; Yến và ctv., 2015). Bên cạnh đó, hồng sim còn mang lại giá trị dược liệu. Dịch chiết lá và quả hồng sim có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy ở tôm (Lụa và ctv., 2015) và vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm (Limsuwan et al., 2012; Mitsuwan et al., 2020). Ở lá chứa hàm lượng pholyphenol cao hơn búp và quả, do đó, lá cho hoạt tính chống oxy hóa cao hơn (Abd Hamid et al., 2017). Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, polyphenol có khả năng chống oxy hóa. Trong cơ thể, các gốc oxy hóa là thủ phạm chính gây ra những rối loạn thoái hóa đẩy nhanh quá trình lão hóa cơ thể, gây bệnh ung thư, da, lão hóa da. Polyphenol có khả năng chống oxy hóa cao nhờ hạn chế sự hình thành các gốc tự do, tăng cường sức đề kháng, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư; tác dụng chống các tia phóng xạ. Điều này cho thấy, lá hồng sim không chỉ có tiềm năng ứng dụng cao trong dược phẩm, thực phẩm mà còn mở ra ứng dụng quan trọng như mỹ phẩm. Ở các vùng địa lý khác nhau sẽ có hệ sinh thái khác nhau và đặc thù cho vùng địa lý đó. Điều này dẫn đến sự khác biệt về hệ thống động, thực vật mà đặc biệt là thành phần và hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học. Tuy nhiên, hiện nay nghiên cứu về quy trình tách chiết polyphenol từ lá hồng sim ở Phú Quốc còn hạn chế. Để khai thác lợi ích của chúng một cách tối ưu, các thành phần hóa học có hoạt tính sinh học có trong lá hồng sim vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn và hướng tới thương mại hóa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt đối với Phú Quốc.

Hiện nay, để tìm ra điều kiện chiết xuất các hợp chất thiên nhiên từ thực vật một cách hiệu quả, các nhà khoa học thường sử dụng phương pháp đáp ứng bề mặt. Đây là một phương pháp đơn giản không những giúp tiết kiệm thời gian bố trí thí nghiệm mà còn có khả năng dự đoán gần chính xác kết quả thí nghiệm (Aourabi et al., 2020; Nittaya et al., 2021). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm áp dụng phương pháp đáp ứng bề mặt vào trong quá trình chiết tách polyphenol từ lá hồng sim. Từ đó, xác định được điều kiện chiết tách polyphenol một cách tối ưu, hiệu quả mà vẫn tiết kiệm được dung môi, nguyên liệu và thời gian.

nqhuy

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 58, Số chuyên đề: Khoa học tự nhiên (2022)(2): 18-27
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài