SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Động vật có vú sống theo nhóm có thể sống thọ hơn

[09/02/2023 14:18]

Một phân tích về tuổi thọ và đời sống xã hội của gần 1.000 loài động vật có vú cho thấy những loài sống theo nhóm, như ngựa và tinh tinh, có xu hướng sống lâu hơn những loài sống đơn độc, như chồn và nhím. Phát hiện này cho thấy tuổi thọ và các đặc điểm xã hội gắn liền với nhau về mặt tiến hóa ở động vật có vú. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Tuổi thọ tối đa của động vật có vú dao động lớn. Chẳng hạn, loài chuột chù có tuổi thọ ngắn nhất, sống được khoảng hai năm, trong khi cá voi đầu cong (Balaena mysticetus) có thể sống khoảng 200 năm.

Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh nghiên cứu các loài động vật có vú sống lâu nhất để hiểu quá trình tiến hóa của tuổi thọ, họ đặc biệt lưu ý đến loài chuột chũi trụi lông (Heterocephalus glaber). Các loài gặm nhấm đặc biệt sống lâu, đôi khi đạt tới hơn 30 tuổi. Chúng cũng sống trong các xã hội ngầm rộng lớn, phức tạp. Ngược lại, các loài gặm nhấm khác như chuột đồng vàng (Mesocricetus auratus), sống đơn độc, chỉ sống được khoảng bốn năm.

Một số nghiên cứu trước đây về các loài động vật có vú cụ thể cho thấy tác động của hành vi xã hội đối với tuổi thọ. Ví dụ, khỉ đầu chó chacma cái (Papio ursinus) có mối quan hệ xã hội bền vững và ổn định sẽ sống lâu hơn so với những con cái không có mối quan hệ như vậy.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp thông tin từ các tài liệu khoa học về tổ chức xã hội của 974 loài động vật có vú. Sau đó, chia các loài này thành ba loại: sống đơn độc, sống theo cặp và sống theo nhóm. Khi so sánh ba nhóm này với dữ liệu về tuổi thọ đã biết về động vật có vú, họ phát hiện ra rằng động vật có vú sống theo nhóm có xu hướng sống lâu hơn các loài động vật có vú sống đơn độc - khoảng 22 năm.

Các nhà khoa học tính đến trọng lượng cơ thể - động vật có vú lớn hơn có xu hướng sống lâu hơn những động vật nhỏ hơn và ảnh hưởng của các mối quan hệ xã hội được duy trì. Một ví dụ rõ ràng từ chuột chù và dơi. Cả hai đều là những động vật có vú nhỏ bé giống nhau, nhưng chuột chù sống đơn độc chỉ sống được vài năm, trong khi một số loài dơi có tính xã hội cao hơn có thể sống được 30 hoặc 40 năm.

Lợi ích khi sống trong một nhóm như tập hợp lại với nhau để bảo vệ chống lại những kẻ săn mồi. Sống cùng nhau cũng có thể làm giảm nguy cơ chết đói nếu các thành viên trong nhóm tăng hiệu quả tìm kiếm thức ăn bằng cách tìm kiếm và thu thập thức ăn cùng nhau. Những yếu tố này có thể cho phép động vật có vú có mối quan hệ xã hội sống lâu hơn.

Sự tiến hóa của cuộc sống lâu dài cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở các loài sống theo nhóm: Sống theo nhóm cho phép động vật có khả năng hỗ trợ sự sống còn của các thành viên trong gia đình mang gen của chúng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 31 gen có mức độ hoạt động tương đối tương quan với cả tuổi thọ và một trong ba loại xã hội được quy định. Nhiều gen trong số này dường như có vai trò trong hệ thống miễn dịch, có thể có tầm quan trọng khi chống lại mầm bệnh lây lan trong nhóm xã hội. Các gen khác có liên quan đến việc điều chỉnh hormone, bao gồm một số gen được cho là ảnh hưởng đến các hành vi xã hội.

Khi nghiên cứu các gen này một cách chi tiết hơn, nhóm nghiên cứu khám phá ra nhiều hơn về thói quen xã hội và tuổi thọ của động vật có vú đã tiến hóa cùng nhau như thế nào.

www.sciencenews.org
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài