SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng phương pháp AHP và công nghệ GIS xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở bờ sông khu vực bán đảo Cà Mau

[28/04/2024 15:05]

Bán đảo Cà Mau là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, việc khai thác nước ngầm quá mức cũnglà một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng.

Ảnh minh họa.

Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến sạt lở bờ sông trên thế giới, tại Việt Nam cũng như khu vựcbán đảo Cà Mau. Tuy nhiên,chưa có nghiên cứu nào ứng dụng phương pháp AHP và công nghệ GIS để xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở bờ sông do hạn hán khu vực bán đảo Cà Mau. Với đặc điểm khu vực nghiên cứu cũng như điều kiện số liệu còn hạn chế cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tác giả Đoàn Quang Trí (Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn) cùng các cộng sự đã lựa chọn công nghệ GIS kết hợp phương pháp AHP để giải quyết bài toán là hợp lý, có khả năng đem lại kết quả nghiên cứu có độ chính xác và đáng tin cậy.

Nghiên cứu đã xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở bờ sông do hạn hán kéo dài xem xét dưới các nhân tố tác động (khoảng cách mực nước đến bờ sông, thổ nhưỡng, độ dốc bờ sông, sử dụng đất và bốc thoát hơi nước mùa khô). Mục đích của nghiên cứu: (1) Ứng dụng phương pháp AHP để xác định trọng số yếu tố của các nhân tố ảnh hưởng do tác động của hạn hán đến sạt lở; (2) ứng dụng công nghệ GIS để chồng chập và xác định khu vực phân vùng rủi ro. Bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng hỗ trợ cho công tác quản lý, quy hoạch, khắc phục sự cố sạt lở đang có xu hướng gia tăng ở khu vực bán đảo Cà Mau.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích thứ bậc (AHP) để đánh giá trọng số các yếu tố ảnh hưởng kết hợp với công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS) để chồng xếp lớp bản đồ các yếu tố ảnh hưởng chính từ đó xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông của khu vực nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các yếu tố chính ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông khu vực nghiên cứu trong thời kỳ hạn hán bao gồm: khoảng cách mực nước đến bờ sông, thổ nhưỡng, độ dốc bờ sông, hiện trạng sử dụng đất và bốc thoát hơi nước mùa khô. Trọng số của các yếu tố này được đánh giá dựa trên việc tổng hợp các tài liệu liên quan cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Kết quả cho thấy hiện tượng sạt lở bờ sôngcó nguy cơ xảy ra cao tại các huyện Đầm Dơi, U Minh, Trần Văn Thời, thành phố Cà Mau và các sông, kênh rạch thuộc Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở cung cấp cái nhìn tổng quan về các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông cao, là tài liệu tham khảo hỗ trợ các nhà quản lý xây dựng kế hoạch phát triển bền vững kinh tế -xã hội ở bán đảo Cà Mau.

Bạn đọc có thể tìm đọc công bố về kết quả nghiên cứu trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 763, trang 35-47.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn 2024, Tập 763
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài