SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả của Natri Silicate và Calci Silicate lên sự chống chịu nhôm trên lúa OM 7347 giai đoạn mạ

[02/05/2024 13:55]

Trong nghiên cứu này, natri silicate và calci silicate được bổ sung vào dung dịch trồng lúa OM7 347 ở giai đoạn mạ trong điều kiện ngộ độc nhôm nhân tạo (AlCl3).

Silic (Si) là nguyên tố phong phú thứ hai trong lớp vỏ trái đất, chiếm 28,8%. Silicdioxide (SiO2) là dạng phổ biến của silic trong đất. Qua quá trình hydrat hóa, một phần nhỏ silic có trong dung dịch đất dưới dạng acid silic (H4SiO4), là dạng cây hấp thu.Trong thực vật, silic được đồng hóa chủ yếu bởi rễ và tích lũy trong các mô. Sự tích lũy silic khác nhau ở mỗi loài thực vật, từ 0,1% đến 10% trọng lượng khô, sự khác biệt này được cho là do sự khác biệt về khả năng hấp thu silic của rễ. Silic được coi là một yếu tố có lợi cho thực vật bậc cao giúp cây vượt qua các tác nhân bất lợi phi sinh học và sinh học bằng cách ngăn chặn đổ ngã và tăng sức đề kháng với sâu bệnh, cải thiện sự tiếp nhận ánh sáng và giảm thoát hơi nước, đồng thời silic có thể cải thiện tình trạng của đất có chứa hàm lượng kim loại nặng độc hại cùng với các nguyên tố hóa học khác. Việc bổ sung silic đã được chứng minh làlàm giảm độc tính Al trên lúa. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là đồng bằng lớn nhất nước ta, diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 3 triệu ha, chiếm gần 1/3 diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Mạng lưới sông ngòi dày đặc tạo điều kiện cung cấp nước cho lúa; đồng thời, nó giúp cho phần lớn diện tích đất ở đồng bằng được phù sa bồi đắp quanh năm nên rất màu mỡ. Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm quanh năm tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt. Với điều kiện thích hợp, cây lúa chiếm gần 50% diện tích đất canh tác của ĐBSCL. Tuy nhiên, ở ĐBSCL, nhóm đất phèn chiếm gần 12 tổng diện tích đất tự nhiên. Điều này gây trở ngại không ít cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu thất thường trong những năm gần đây. Lúa có thể tích lũy silic đến mức tối đa 10% trọng lượng khô của chồi, thường cao hơn nhiều lần so với các chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu như nitơ, phospho và kali. Với chức năng giúp cây trồng chống chịu với các yếu tố bất lợi của silic nên trong nghiên cứu này, natri silicate và calci silicate được bổ sung cho cây lúa trong điều kiện ngộ độc nhôm nhân tạo nhằm khảo sát hợp chất silic nào có hiệu quả tích cực đến việc chống chịu nhôm trên lúa OM 7347 giai đoạn mạ.

Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 2/2019 đến tháng 5/2019 tại Bộ môn Sinh Lý – Sinh Hóa, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Sự phân nhánh của rễ (Ghi chú: A- đối chứng, B-AlCl3, C−AlCl3 + Na2SiO3, D−AlCl3 + CaSiO3.

Lúa rất nhạy cảm với nhôm, nồng độ AlCl 350 μM đã gây ức chế sinh trưởng và phát triển của giống OM 7347 giai đoạn mạ. Việc bổ sung hợp chất Na2SiO3 và CaSiO3 có tác dụng tích cực lên sự phát triển của cây, giảm ảnh hưởng do độc nhôm gây ra, trong đó, việc bổ sung hợp chất CaSiO3 cho hiệu quả tốt hơn. Các hợp chất này góp phần cải thiện chiều cao, chiều dài rễ và tăng pH dung dịch trồng. Ngoài ra, các hợp chất này còn giúp hạn chế sự tích lũy nhôm ở rễ, sự hư hỏng màng tế bào do nhôm gây ra và duy trì sự phát triển rễ phụ.

Tạp chí Khoa học trường Đại học Trà Vinh, số 39, tháng 9 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài