Ứng dụng DO nhũ tương - Bước tiến mới
Đầu năm 2011, PGS. TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh cùng các cộng sự đã sản xuất thử nghiệm thành công DO nhũ tương. Đây là nhiên liệu dầu diesel pha thêm nước nhờ hỗn hợp nhũ tương, sử dụng cho động cơ, giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải ô nhiễm…
Tuần qua, DO nhũ
tương đã có cơ hội được ứng dụng rộng rãi hơn khi các nhà khoa học tiếp tục
hoàn thiện thiết kế chế tạo hệ thống sản xuất nhũ tương DO, nhằm áp dụng DO nhũ
tương vào các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian
tới.
Từ 2009, PGS.TS Phan
Minh Tân cùng các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị
mới NEPTECH thực hiện nghiên cứu, chế tạo hệ thống sản xuất biodiesel nhũ
tương. Sau nhiều tháng miệt mài trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã trộn
thành công hỗn hợp nhũ tương và sản xuất thử nghiệm thành công, thu được nhũ
tương DO 15% nước (dầu DO có pha 15% nước) có độ nhớt, kích thước hạt nhũ, điểm
đông đặc, độ bền trong quá trình tồn trữ đạt yêu cầu. Ngay sau đó, nhóm nghiên
cứu bắt tay vào chế tạo hệ thống thiết bị tạo nhũ tương DO, công suất 3 m3/giờ,
sản xuất một lượng lớn nhiên liệu nhũ tương DO phục vụ thử nghiệm thực tế trên
nhiều loại phương tiện: Máy phát điện, xe buýt và xe container 40 feet.
Kết quả thử nghiệm cũng đã
thu được những kết quả rất tốt: Nhiên liệu nhũ tương DO không phù hợp với động
cơ công suất nhỏ (động cơ phát điện tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn 20% so với
dùng DO, chỉ giảm phát thải NOx và muội) nhưng trên động cơ lớn như ô tô, máy
dung nhũ tương DO tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, giảm hầu hết các khí thải độc
hại. PGS.TS Phan Minh Tân cho biết, trong quá trình nghiên cứu cũng như thử
nghiệm, DO không bị chuyển hóa hóa học sau khi trộn nước và hỗn hợp nhũ tương,
các hỗn hợp chất tạo nhũ có khả năng tạo được nhũ tương có độ bền tốt.
Với DO nhũ tương, ông Lê
Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công
cộng (Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, Tp. Hồ Chí Minh hiện có
140 tuyến xe buýt, với 2.998 xe, chi phí trợ giá hiện trên 600 tỷ đồng mỗi năm
và ngày càng tăng. Hơn nữa, các xe thải ra khoảng 2.300 tấn bụi, hơn 2.000 tấn
CO… mỗi năm, càng làm tình trạng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng. Nếu nghiên
cứu này được áp dụng thực tế sẽ mang lại nhiều ý nghĩa: Giảm gánh nặng trợ giá
cho ngân sách ước tính khoảng 180 tỷ đồng (phí nhiên liệu chiếm khoảng 55% tổng
chi phí phương tiện vận tải), giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Tiếp nối thành công nói
trên, các nhà khoa học tham gia nghiên cứu phát triển DO nhũ tương đã tiếp tục
hoàn thiện thiết kế chế tạo hệ thống sản xuất nhũ tương DO. Cụ thể, sẽ thiết kế
và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất DO nhũ tương ở mức cao hơn so với
thời điểm nghiên cứu trước đây.