SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Áp dụng KH&CN đưa ngành thủy sản đạt mục tiêu

[11/07/2011 10:47]

Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ... Nếu thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, xuất khẩu thủy sản có thể đạt mục tiêu 8 tỷ USD vào năm 2020.

Từ chọn tạo giống

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản nước ta có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 15%/năm. Hiện cả nước có khoảng 1,1 triệu ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng năm 2010 đạt gần 2,8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 4,94 tỷ USD. Kết quả này có đóng góp quan trọng của các hoạt động KH&CN.

Những nghiên cứu về công nghệ thủy sản thời gian gần đây có những bước tiến rõ rệt, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao chất lượng giống thủy sản như chọn giống cá tra thế hệ thứ hai, có tốc độ sinh trưởng cao hơn các đàn cá hiện nuôi là 13%; nghiên cứu khép kín vòng đời tôm sú thành công, mở ra triển vọng chủ động nguồn tôm sú bố mẹ, giảm phụ thuộc vào tôm bố mẹ khai thác tự nhiên và nhập khẩu; ứng dụng công nghệ vi phẫu tuyến Androgenic tạo tôm càng xanh toàn đực có tốc độ sinh trưởng nhanh và kích cỡ tôm thương phẩm lớn hơn khi thu hoạch.

Đi cùng với đó là xây dựng các công nghệ nuôi thâm canh cá tra, tôm sú, tôm thẻ trong hệ thống đa ao, đa chu kỳ, hệ thống nuôi tôm ít thay nước, nuôi cá lồng bè, đặc biệt là phát triển hệ thống nuôi cá ở các vùng biển mở.

Một số nghiên cứu nâng cao chất lượng giống và công nghệ nuôi ở nước ta đã tiếp cận hoặc vượt trình độ trong khu vực. Chẳng hạn nuôi cá tra đạt năng suất 150-400 tấn/ha, trung bình 200 tấn/ha, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới nuôi cá đạt năng suất như vậy trong hệ thống ao cỡ lớn; Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đi đầu ứng dụng công nghệ tạo tôm càng xanh toàn đực ở quy mô sản xuất; Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất 20-25 tấn/ha/vụ tương đương với các nước Trung Quốc, Thái Lan…

Dù vậy, ông Tuấn cũng thừa nhận công nghệ nuôi trồng thuỷ sản ở nước ta cũng gặp một số trở ngại đó là nuôi nhỏ lẻ, hạ tầng thấp kém, sử dụng tiêu hao nhiều nguồn nước còn khá phổ biến. Nuôi thâm canh, ít sử dụng nước, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP (Good Agricultural Practices) còn ít, rủi ro dịch bệnh còn lớn và chi phí sản xuất còn cao đã hạn chế hiệu quả sản xuất. Việc lưu giống thuần, giống gốc là cơ sở quan trọng trong nâng cao và duy trì chất lượng giống thủy sản chưa đảm bảo về cơ sở hạ và kinh phí. Các nghiên cứu về thức ăn, vacxin hạn chế cả về trình độ và kết quả ứng dụng trong sản xuất.

Đến sản xuất “sạch”

Ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng thủy sản sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 tỷ USD, phấn đấu đưa thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, với chỉ tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD vào năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nếu quy hoạch được vùng nuôi, thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, kiểm soát và ứng dụng giống mới, quản lý tiêu chuẩn về môi trường, điều tiết theo quy luật và làm tốt công tác dự báo.

Ông Tuấn cho rằng, với lợi thế hơn 3.200 km bờ biển, nước ta là một trong những nước có tiềm năng phát triển nuôi biển. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thị trường để xác định đúng đối tượng phát triển nuôi và nghiên cứu công nghệ nuôi biển thích hợp rất cần thiết. Một số đối tượng cá nuôi biển có triển vọng (như cá giò, cá chẻm) cần có những nghiên cứu chuẩn bị phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng giống. Nên áp dụng các hệ thống nuôi sạch, khép kín, ít thay nước.

Bên cạnh đó, cần có định hướng nghiên cứu công nghệ thức ăn và có cơ chế quản lý chất lượng và giá cả thức ăn hợp lý. Hiện thức ăn chiếm tới 70% giá thành sản xuất trong nuôi trồng thuỷ sản, tuy nhiên lại phụ thuộc khá nhiều vào các công ty nước ngoài, giá thức ăn cao nên lợi nhuận từ nuôi trồng thuỷ sản đưa lại cho ngư dân Việt Nam thấp.

“Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi “khắt khe” hơn, sản phẩm thủy sản phải sạch, an toàn và đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực về bảo vệ môi trường, vì thế hướng phát triển nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn GAP ở tất cả các vùng nuôi là tất yếu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ thêm, trong các đề án quy hoạch ngành thủy sản, chúng ta vẫn đang nhấn mạnh yếu tố về lượng, sản lượng trong khi khả năng quản lý của chúng ta còn yếu kém và sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật còn thấp. Nếu chúng ta quá nhấn mạnh về con số, thì e rằng những thách thức mà chúng ta mang lại cho mình còn lớn hơn những điều chúng ta đạt được…

Theo ông Dũng, nên chú trọng nhiều hơn đến mối liên kết chuỗi từ sản xuất - doanh nghiệp - xuất khẩu, công tác quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng giá trị và khẳng định vị thế của ngành.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ