Vất vả chống chọi với thiết bị gây nhiễu
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT nói, cơ quan này đang vất vả chống chọi với các thiết bị gây can nhiễu.
Theo ông Hoan, 100% các đài phát thanh không dây được kiểm tra đều
không đạt chất lượng, trong đó có sản phẩm sản xuất trong nước, có cả
sản phẩm mua từ nước ngoài.
Hiện tượng nhiễu điện thoại kéo dài
cũng không thể ngăn chặn được vì rất nhiều cơ quan, đơn vị đã “lỡ” mua
sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, nhập khẩu những loại thiết bị không
đúng quy hoạch tần số. Đã có thời điểm các doanh nghiệp
cung cấp thiết bị được yêu cầu phải đổi máy mới thay thế cho thiết bị
gây nhiễu, nhưng trên thực tế không có căn cứ nào bắt buộc doanh nghiệp
phải làm vậy, và sáng kiến đổi máy này đã “sập tiệm”.
Mới đây, cơ quan quản lý thị trường
đã phối hợp hỗ trợ giải tán những điểm chợ bán thiết bị trôi nổi. Song
đối với lượng lớn thiết bị được đưa qua cửa khẩu thì vẫn đang được
“buông xuôi”.
“Đây là lỗi của cơ quan quản lý, đã cho nhập khẩu
những thiết bị không phù hợp quy hoạch tần số của Việt Nam và không có
biện pháp ngăn chặn những thiết bị gây nhiễu”, ông Hoan nhận xét.
Tuy
nhiên, theo khẳng định của ông Chu Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý
chất lượng CNTT&TT, Bộ TT&TT, thì thời gian qua việc chứng nhận
hợp quy, cấp phép nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện, phát thanh truyền
hình và điện thoại kéo dài đã được thực hiện nghiêm túc. Các thiết bị
được cấp phép đều không gây nhiễu. Những điện thoại gây nhiễu đều là
thiết bị được nhập khẩu qua đường xách tay.
Một điểm bất cập trong
công tác quản lý chất lượng CNTT&TT hiện nay là những thiết bị có
tỷ lệ sai sót và tỷ lệ không hợp quy nhỏ (như BTS) thì được kiểm tra rất
tích cực, trong khi những thiết bị có tỷ lệ sai nhiều như thiết bị phát
thanh truyền hình thì lại thiếu kiểm tra, không tích cực quản lý.
Để
giải quyết tình trạng nhiễu sóng nêu trên, “cần nghiên cứu lại quy định
về cấp phép và kiểm soát nhập khẩu, ngăn chặn không cho nhập khẩu những
thiết bị vô tuyến không phù hợp quy hoạch tần số để đảm bảo không gây
khó khăn cho việc sử dụng, thúc đẩy phát triển ứng dụng vô tuyến tại
Việt Nam”, ông Hoan đề xuất.
Đối với thiết bị vô tuyến điện sản
xuất trong nước, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, thời
gian tới, Cục Viễn thông cần xem xét ban hành quy định liên quan đến
thiết bị thông tin vô tuyến sản xuất trong nước, chú trọng tới điều kiện
hành nghề của các cơ sở sản xuất.
Dự kiến trong tháng 8 này, Cục
Tần số Vô tuyến điện sẽ trình Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Chỉ thị về
quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến, đặc biệt là thiết bị phát thanh –
truyền hình, trong đó sẽ phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan
liên quan.