Viettel “làm khó” đối thủ tại Campuchia
Tờ PhnomPenh Post đã đưa ý kiến của Frost and Sullivan khu vực Châu Á cho rằng mạng di động Metfone của Viettel đang phát triển mạng lưới nhanh hơn, và cung cấp dịch vụ rẻ hơn cho người tiêu dùng so với các đối thủ tại Campuchia.
Metfone tuyên bố kiểm
soát 80% mạng cáp và phủ tới từng xã tại Campuchia. Metfone cũng cho biết đã
đóng góp 16.000 km cáp quang trong tổng số 20.000 km của toàn thị trường
Campuchia. 20% còn lại được chia cho hai công ty là Telecom Cambodia và CFOCN.
Đó là những số liệu trích dẫn từ báo cáo của Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia.
Metfone, công ty thuộc
sở hữu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam-Viettel, còn cho biết đã triển
khai hạ tầng từ khi nhận được giấy phép đầu tư vào năm 2006 và tuyên bố khối
lượng cáp triển khai gấp 13 lần so với tổng toàn bộ đường trục toàn quốc phát
triển được trong vòng 10 năm qua.
Trong khi có nhiều ý
kiến khác nhau về tính hợp lí, xác thực của các con số trên, thì Giám đốc điều
hành của Metfone, ông Nguyễn Duy Thọ, không trả lời đề nghị bình luận về điều
này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ
Bưu chính Viễn thông Campuchia Sokhun cho biết, vùng phủ của Metfone có khả
năng chiếm khoảng 80% toàn bộ mạng cáp của Campuchia.
Giám đốc điều hành của
CFOCN, ông Steven Cao ước tính số lượng cáp của Viettel triển khai cỡ khoảng
10.000-15.000 km. Còn CFOCN sở hữu khoảng 5.000 km. Tổng giám đốc Telecom
Cambodia (TC), Lao Saroeun cho biết, TC sở hữu khoảng 1.000 km cáp.
Ông Cao liên hệ con số
báo cáo về km cáp của Metfone với số lượng thuê bao di động. Metfone tuyên bố
có 8 triệu thuê bao, nhưng ông Cao ước tính con số thật khoảng gần 4,7 triệu.
Heath Shan, Giám đốc
điều hành của NTC lại phản bác sự so sánh trên. Ông cho biết mạng cáp của
Campuchia có thể đo đếm được, trong khi đó người trong ngành viễn thông thường
hay nghi ngờ về tính xác thực của các con số về thuê bao.
Mặc dù vậy, ông cho rằng
tổng số km cáp quang của toàn Campuchia thực tế có thể lớn hơn con số trong báo
cáo tháng 2 của Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia, cao nhất là khoảng 25.000 km
và khả năng lớn là ở mức 22.000 km.
Ông Shan cho rằng khả
năng Metfone muốn “khoe” về việc đã phủ tới xã vì các công ty khác chỉ tập trung
vào các khu vực đô thị có lợi nhuận cao.
Ông cho biết, thời gian
thu hồi vốn từ đầu tư cho một mạng mở rộng như thế là “rất lâu”, một số công ty
tìm kiếm giải pháp sử dụng công nghệ viba thay thế cho cáp.
Một chuyên gia phân tích
cho rằng việc đầu tư sớm hạ tầng của Metfone tới 1.600 xã là một sự chuẩn bị
cho việc cung cấp các dịch vụ 3G tại đây.
Marc Einstein, thuộc
Frost and Sullivan khu vực Châu Á cho rằng, Metfone “đang chuẩn bị mạng lưới
sẵn sàng cho phát triển trong tương lai. Động thái này của công ty sẽ cho phép
Metfone có một mạng lưới mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn, khả năng cung cấp các dịch
vụ rẻ hơn cho người tiêu dùng so với các đối thủ và cung cấp các khả năng cần
thiết đáp ứng cho các dịch vụ 3G. Tôi cho rằng điều này cho thấy Viettel thực
sự nghiêm túc ở đất nước này và Metfone sẽ làm cho các công ty khác thực sự gặp
khó khăn”.