Trong một sự kiện khá bất ngờ, Apple đã thông báo về việc CEO lừng danh Steve Jobs của họ từ chức sau nhiều lần vắng mặt do yêu cầu điều trị y tế suốt từ tháng 1-2011. Vị trí CEO mới sẽ do giám đốc lâu năm Tim Cook đảm nhận, trong khi Jobs sẽ chỉ còn giữ chức Chủ tịch. Liệu Apple có ổn không khi thiếu người dẫn đường huyền thoại và ông Jobs sẽ hỗ trợ đứa "con cưng" của mình như thế nào?
Steve Jobs luôn được coi là biểu tượng của sự sáng tạo công nghệ.
Steve Jobs (sinh năm 1955) đã khởi động Apple Computer vào năm 1976 trong garage nhà cha mẹ nuôi của mình ngay sau khi rời bỏ trường đại học. Sau đó, chính ông đã đưa Apple trở thành doanh nghiệp trị giá hàng tỉ đô la Mỹ với tài sản cá nhân lên tới 8,3 tỉ đô la (số liệu do Forbes cung cấp).
Sản phẩm đầu tiên của hãng chính là mẫu Apple-1 được bán ra mà không có vỏ máy, nguồn điện, bàn phím, màn hình với mức giá khoảng 700 đô la. Điều ấn tượng ở chiếc máy này là bo mạch chủ đã được lắp ráp sẵn – một điều chưa từng có trong giai đoạn đó. Với mỗi mẫu bán ra, Apple-1 đem lại cho Steve Jobs và người đồng sáng lập Steve Wozniak khoảng 20 đô la (cuối năm 2010, một mẫu máy này đã được đấu giá lên tới 213.600 đô la). Đến năm 1980, Jobs và Wozniak đã trở thành triệu phú với tài sản vượt ngưỡng 1 triệu đô la. Bản thân Jobs đã nhận định: "Tôi đã có "giá" hơn một triệu đô la khi 23 tuổi, hơn 10 triệu đô la khi 24 tuổi và hơn 100 triệu đô la khi 25 tuổi. Sau đó, điều này không còn quan trọng nữa bởi trên thực tế tôi vẫn làm mọi thứ không phải vì tiền…".
Thời kỳ đen tối
Ngay sau giai đoạn đó là khoảng thời gian đen tối của Jobs và Apple. Năm 1983, Jobs nhận thấy mình cần một CEO để hỗ trợ việc điều hành công ty. Ông đưa một giám đốc của Pepsi khi đó là John Sculley về để bảo đảm việc cho ra mắt chiếc máy Mac vào ngày 24-1-1984. Nhưng, doanh số bán hàng đã không được như dự kiến. Năm 1985, Sculley thuyết phục ban giám đốc loại bỏ Steve Jobs.
Sau thời điểm này, Jobs bắt tay vào việc xây dựng một công ty phần mềm mới là NeXT. Ngoài NeXT, ông cũng khởi tạo một công ty mới mà sau này trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu về đồ họa hoạt hình: Pixar Studio. Năm 1996, Apple sau khi tuột dốc liên tục với hàng loạt sản phẩm thất bại đã buộc phải mua lại NeXT với giá 400 triệu đô la và đưa Jobs trở lại ban lãnh đạo.
Sự vắng mặt của Jobs trước đó đã khiến Apple và Microsoft rơi vào cuộc chiến pháp lý nhiều năm liền với sự yếu thế thấy rõ của Apple. Sau nhiều nỗ lực thương lượng và hợp tác, cuối năm 1997, Jobs tuyên bố chính Microsoft sẽ đầu tư khoảng 150 triệu đô la vào… Apple.
Sau khi vị CEO lừng danh trở lại, những mẫu máy với bộ xử lý G3 có doanh số cao ra mắt cùng nhiều phần mềm, sản phẩm hợp tác với Microsoft, đã giúp cải thiện tình hình. Mẫu iMac thế hệ mới ra mắt sau đó cũng đạt tới doanh số "ước mơ" khi cứ 15 giây lại có một chiếc bán ra.
Suốt một thập kỷ sau đó, Apple đã liên tục mở rộng thị trường và áp dụng những hiểu biết của mình về ngành công nghiệp điện toán tới mọi sản phẩm, từ máy nghe nhạc cá nhân cho tới điện thoại, máy tính bảng. Những thành công nối tiếp nhau đã đưa Apple và Jobs trở thành biểu tượng của ngành công nghệ toàn cầu.
Biểu tượng của sự sáng tạo không ngừng
Dĩ nhiên, thế giới công nghệ không hề thiếu các CEO sáng giá. Tuy nhiên, điều thực sự khiến Steve Jobs tỏa sáng chính là ở chỗ trong khi hầu hết các CEO đều nổi tiếng nhờ sự lãnh đạo thì Jobs nổi lên từ vai trò của một nhà phát minh đầy sáng tạo. Nhiều người tin rằng kể cả khi ông không giữ vị trí CEO của Apple thì tầm ảnh hưởng của ông tới các hoạt động của hãng sẽ vẫn rất lớn. Bản thân Bill Gates cũng thường xuyên tự gọi mình là kiến trúc sư trưởng phần mềm chứ không chỉ là một chuyên gia vận hành doanh nghiệp. Điều này cũng báo hiệu rằng ngay cả khi không còn nắm vị trí điều hành thì Steve Jobs vẫn sẽ đóng góp những giá trị rất lớn cho công ty – dĩ nhiên là nếu sức khỏe cho phép.
Chính những ý tưởng của Jobs đã giúp Apple thực hiện cuộc "cách mạng" trong mọi nhóm sản phẩm: từ những chiếc iPod trong thế giới máy nghe nhạc cá nhân, những chiếc máy Mac với chuột và hệ điều hành giao diện trực quan hình ảnh đối với máy tính cá nhân cho tới iPhone – thứ đã định nghĩa lại điện thoại thông minh – hay iPad – một trào lưu mới của máy tính bảng. Có thể nói, cứ mỗi sản phẩm của Apple với những cảm hứng sáng tạo của Jobs đã khiến giới công nghệ phải rúng động và xem xét lại những khái niệm truyền thống cố hữu, còn người sử dụng thì được một phen hả hê với "món" mới.
Bên cạnh đó, không có điều gì khẳng định rằng Steve Jobs là nhà điều hành doanh nghiệp số một bởi trên thực tế có rất nhiều người có khả năng làm tốt hơn ở phương diện này. Bản thân hình ảnh của ông cũng chưa từng chỉ giới hạn ở một giám đốc điều hành. Jobs là một nhà chiến lược tài ba của Apple, một người có tầm nhìn rộng và tạo nhiều cảm hứng cho giới trẻ, nhưng điều này sẽ được nhân lên vạn lần nếu có sự hợp tác của một vị CEO mới với trình độ quản lý tốt hơn nữa – một điều mà Tim Cook hoàn toàn có tiềm năng thực hiện được. Như thế, mô hình điều hành mới của Apple sau khi Jobs từ chức chưa chắc đã là điều đáng lo ngại như nhiều nhận định bi quan gần đây. Bên cạnh tài năng, nhiều người sử dụng – kể cả giới truyền thông lẫn chính trị – đều bị thu hút bởi sức hấp dẫn từ chính con người của Jobs. Ông cũng được ca ngợi là "ngôi sao nhạc Rock" của thế giới công nghệ vốn khô khan nhờ những ý tưởng đột phá, phong cách đầy mới mẻ và khả năng tạo cảm hứng cho những người xung quanh.
"Thần hộ mệnh" của Apple
Thực tế cho thấy, Jobs không chỉ được mệnh danh là "thần hộ mệnh" của Apple nhờ việc đưa hãng này trở lại vị thế hàng đầu thị trường khi ông quay trở lại vào năm 1998, mà còn bởi vô số các động thái giúp cho "quả táo cắn dở" trụ vững trong giai đoạn điều hành sau đó. Những người đã từng làm việc cho Jobs đều nhận định ông là "con người rất sáng suốt và chưa từng e ngại phải đối đầu – đặc biệt là khi bảo vệ cho các sản phẩm Apple mà ông tạo ra".
Ngoài cuộc chiến với Sculley hay Bill Gates đã đề cập, Jobs trong năm 2010 cũng "nổi tiếng" bởi những cuộc đụng độ với Adobe Flash hay Google Android. Vào tháng 4, Jobs đã tuyên bố rằng công nghệ Flash cực kỳ kém ổn định và kém tính khả mở, Apple sẽ tiến đến một nền tảng có hiệu quả hơn là HTML5. Điều này càng làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai bên do bản thân các thiết bị iOS chưa từng cho phép Flash hiện diện từ trước đó với lý do "Apple không muốn hạ thấp độ tin cậy và độ bảo mật của iPhone, iPod hay iPad với việc tích hợp Flash vào, khi Flash là nguyên nhân số một khiến các máy Mac bị lỗi" – Jobs phát biểu. Ngay sau đó, Adobe đã đáp trả bằng lời tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm cho Android. Hệ quả tất yếu của điều này là sự hiện diện mạnh mẽ của chuẩn mới HTML5 trên nhiều thiết bị số trong khi sự hiện diện của Flash ngày càng hạn chế – đặc biệt là trên môi trường di động.
Không chỉ dừng lại ở Flash, khi đề cập tới Android, CEO của Apple cũng cho rằng: "Android hết sức rời rạc. Nhiều nhà sản xuất thiết bị Android – kể cả những đại gia như HTC hay Motorola – đã phải sử dụng giao diện riêng của họ để tạo ra sự khác biệt. Điều này khiến cho người sử dụng phải tự mò mẫm nếu muốn sử dụng máy. Rõ ràng là không bằng iPhone – khi mà mọi chiếc máy đều hoạt động hệt như nhau". Nhận định của Jobs ngay sau đó trở thành mối trở ngại đối với việc phát triển của Android dù rằng kỹ sư trưởng Andy Rubin cho rằng thế mạnh của Android là khả năng tùy biến cao.
Tương tự như vậy, ngay từ khi RIM đang úp mở về sự hiện diện của mẫu máy tính bảng Playbook nhằm cạnh tranh với iPad, Jobs đã thẳng thừng tuyên bố về việc một chiếc máy tính bảng 7 inch sẽ là quá bé để sử dụng thoải mái trong vai trò là một máy tính bảng, trong khi lại quá to để mang đi mọi nơi như một chiếc điện thoại thông minh. Thêm vào đó, với hơn 300.000 ứng dụng trên Apps Store của Apple, rõ ràng RIM sẽ phải đối mặt với một ngọn núi lớn.
Thật không may mắn cho RIM, những nhận định của Steve Jobs hoàn toàn đúng. Mặc dù vậy, CEO Jim Balsillie vẫn cho rằng nhiều khách hàng đã mệt mỏi về việc bị Apple chỉ định phải nghĩ gì dù có một điều hiển hiện là iPad vẫn được bán ra vèo vèo và chưa từng mất đi vị thế đầu bảng suốt từ thời điểm ra mắt tới nay. Các mẫu máy tương tự ra mắt sau đó đều mang dáng dấp của dòng sản phẩm này. Trên thực tế, không ít những sản phẩm như Galaxy Tab 2 của Samsung đã bị Apple lôi ra kiện chỉ vì "nhái quá giống" nhiều món của iPad.
Apple vẫn sẽ ổn
Mặc dù cổ phiếu của Apple giảm nhẹ ngay sau khi Steve Jobs từ chức, nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng sự ra đi này sẽ không ảnh hưởng lớn tới vấn đề tài chính, khả năng sáng tạo hay nói chung là tương lai của hãng. Vị CEO huyền thoại này đã tạo ra được một lối đi mà nhân viên của Apple về sau này có thể đi theo trong khi người kế thừa vị trí này – Tim Cook – dường như cũng cùng chí hướng với vị tiền nhiệm. "Chúng tôi tin rằng di sản của Jobs không chỉ bao gồm những phát minh tuyệt vời mà còn cả những con người hiện đang dẫn dắt Apple. Trong tương lai, họ cũng sẽ đi theo con đường sáng tạo mà Jobs đã chọn" – nhà phân tích Gene Munster nhận định. Ông cũng cho rằng Tim Cook chính là ứng cử viên lý tưởng để thay thế Jobs và hiện không có ai hợp lý hơn. Tầm nhìn chiến lược của Jobs cũng sẽ dẫn dắt không chỉ Apple mà cả những vị lãnh đạo tương lai của hãng.
Như thế, dù có sự hiện diện của Jobs hay không, Apple vẫn sẽ có những sản phẩm đầu bảng trên thế giới công nghệ, điển hình là mẫu iPhone 5 sắp ra mắt. Nhà phân tích Mike Abramsky tại RBC Capital Markets cho rằng các nhà đầu tư cũng sẽ có khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị cho một "Apple không có Steve Jobs" – tương tự như Ford hay Disney trước đây đã vẫn tiến lên theo đúng đường lối truyền thống dù trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Apple không có Jobs điều hành sẽ vẫn đi lên. Sự ra đi của ông sẽ thúc đẩy Apple chuyển đổi từ việc được dẫn đầu bởi một nhân vật thành một đội ngũ cùng lý tưởng, từ những đổi mới đơn lẻ thành một chuỗi liên tục mạnh mẽ hơn. Nói cách khác, việc này nhìn ở một góc độ nào đó – lại là điều có lợi cho tương lai lâu dài của Apple.