Kết nối - nền tảng cho những Startup thành công
Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) đã và đang lan rộng trong cả nước và TP Cần Thơ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, để KNĐMST thành công cần rất nhiều yếu tố. Trong đó là việc kết nối phát triển hệ sinh thái KNĐMST, bảo vệ tài sản trí tuệ trong KNĐMST, những lưu ý về pháp lý khi KNĐMST... Đó cũng là nội dung được đưa ra bàn thảo tại Hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Startup kết nối để thành công” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ tổ chức vừa diễn ra mới đây.
Câu lạc bộ Vườn ươm ĐBSCL được thành lập với mục tiêu kết nối nguồn lực từ các Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ để hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật cho hoạt động KNĐMST tại ĐBSCL.
Trợ lực
Thực hiện Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về Hỗ trợ Phát triển hệ sinh thái KNĐMST TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong năm 2018, Sở KH&CN TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ KNĐMST và thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST. Đơn cử như: tổ chức và phối hợp tổ chức 10 sự kiện về đào tạo nâng cao năng lực KNĐMST, với các chủ đề về Hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái KNĐMST TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Startup - KNĐMST kinh nghiệm để thành công; Vai trò của vườn ươm trong việc hỗ trợ và thúc đẩy KNĐMST... Đồng thời, xây dựng Chuyên trang thông tin điện tử về KNĐMST nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thông tin về các hoạt động hỗ trợ KNĐMST của TP Cần Thơ và cả nước đến các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST.
Với mục tiêu kết nối cộng đồng khởi nghiệp để tìm kiếm cơ hội, chia sẻ kinh nghiệm về KNĐMST, Trung tâm Thông tin KH&CN (trực thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ) vừa cho ra mắt Diễn đàn trực tuyến về KNĐMST (canthostartup.vn). Diễn đàn là nơi tập hợp và chia sẻ thông tin về KNĐMST như: thông tin khởi nghiệp; hoạt động diễn đàn; hỏi đáp-hỗ trợ về khởi nghiệp; trao đổi thông tin, tài liệu khởi nghiệp; kết nối, chia sẻ không gian KNĐMST. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: “Thông qua Diễn đàn - Hệ sinh thái KNĐMST trực tuyến sẽ tạo cầu nối không giới hạn cho các chủ thể trong hệ sinh thái KNĐMST có thể “thấy được nhu cầu và cơ hội của nhau” để cùng nhau kết nối và thành công. Đây cũng là kênh kết nối giữa cộng đồng KNĐMST của TP Cần Thơ và các tỉnh, thành khác trong nước và quốc tế trong tương lai”.
Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ đã hình thành 2 Mạng lưới liên kết về KNĐMST, bao gồm: Hệ sinh thái KNĐMST TP Cần Thơ - CanTho Startup Ecosystem, (kết nối nguồn lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện, trường, các tổ chức thúc đẩy để hỗ trợ hoạt động KNĐMST); Mạng lưới Vườn ươm ĐBSCL (kết nối nguồn lực từ các Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ để hỗ trợ hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động KNĐMST). Trung tâm Thông tin KH&CN thành phố cũng liên kết được với Nhóm Khởi nghiệp - CBA Startup Group; Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL để tập hợp nguồn lực các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp vùng ĐBSCL…
Tăng tính kết nối
Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, cùng với các địa phương khác trong cả nước, TP Cần Thơ có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ sinh thái KNĐMST cũng như hoạt động KNĐMST. Tuy nhiên, những kết quả nói trên chỉ là bước khởi đầu và muốn có được thành công thì tất cả chúng ta- những thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST cần phải kết nối và chia sẻ. Năm 2019, thành phố tiếp tục quan tâm đến công tác truyền thông, phổ biến các thông tin và kiến thức về hệ sinh thái KNĐMST và KNĐMST. Đồng thời, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, với 3 dự án: Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ KNĐMST; Hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST; Xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối giữa các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST của TP Cần Thơ với các địa phương khác trong cả nước, khu vực và quốc tế.
Theo ông Viên Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ, hiện nay Cần Thơ vẫn chưa hình thành đủ thành tố cấu thành Hệ sinh thái khởi nghiệp. Các doanh nghiệp và thế hệ trẻ hiện nay chưa rõ khái niệm và phân biệt về khởi nghiệp (StartUp) với DN vừa và nhỏ (SME). Ngoài ra, vấn đề kết nối nguồn vốn mồi từ nhà đầu tư thiên thần, tổ chức phi chính phủ; tiếp cận tín dụng tại các quỹ… còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới, TP Cần Thơ cần hình thành Ngôi nhà chung khởi nghiệp (vườn ươm, trại sáng tác ý tưởng); dành nguồn ngân sách hỗ trợ nhóm trong Hệ sinh thái khởi nghiệp Cần Thơ đến năm 2025 (nhân sự quản lý; hỗ trợ hoạt động và liên kết các tổ chức hỗ trợ KNĐMST tại các viện, trường; tham gia các khóa tập huấn kiến thức lĩnh vực KNĐMST trong và ngoài nước).
Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân các startup phải tích cực tham gia vào các hoạt động trong Hệ sinh thái KNĐMST; tìm bạn đồng hành sáng lập dự án; tìm hiểu và tối ưu hóa mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo cho dự án; tìm kiếm mentor định hướng và đầu tư cùng dự án. Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt lưu ý đối với các DN khởi nghiệp, nhất là DN khởi nghiệp sáng tạo, khi đưa sản phẩm hay dịch vụ ra thị trường, các DN phải quan tâm ngay đến việc sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền để tránh những tranh chấp về thương hiệu, quyền tác giả, thậm chí là tránh bị đối thủ cạnh tranh sao chép, đánh cắp ý tưởng. Một khi hội đủ các yếu tố cần và đủ nói trên sẽ tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình KNĐMST. Từ đó, hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.