Trí tuệ nhân tạo tham gia chẩn đoán ung thư qua hơi thở
Bộ công cụ xét nghiệm BREATH có sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được thử nghiệm ở 4 bệnh viện của Anh và Mỹ để xác định các chất cụ thể (các chỉ dấu sinh học) được tiết ra qua hơi thở trong trường hợp mắc các bệnh khác nhau.
Bộ công cụ có sử dụng trí tuệ nhân tạo nên không ngừng phát triển, có độ nhạy hơn cả mũi chó trong việc phát hiện bệnh qua hơi thở - Ảnh: Getty Images.
Theo Express, các nhà khoa học đã phát triển một bộ công cụ xét nghiệm BREATH có sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định các chất cụ thể (các chỉ dấu sinh học) được tiết ra qua hơi thở trong trường hợp mắc các bệnh khác nhau. Sở dĩ bộ công cụ này thu được hiệu quả chẩn đoán cao là do phân tích được thực hiện ở cấp độ “hạt nano” (nanoparticles). Trước đây, chỉ có thể ghi nhận được sự tồn tại của các chất này ở nồng độ cao, nghĩa là khi bệnh đã phát triển trầm trọng.
Các nhà khoa học sẽ kiểm tra bộ công cụ vào mùa thu tới tại 2 bệnh viện NHS và 2 bệnh viện tại Mỹ, trước tiên ở các ca ung thư phổi. Nhưng theo các nhà khoa học, cũng có thể dùng bộ công cụ này để chẩn đoán các loại ung thư khác, bệnh lao và thậm chí là mất trí nhớ. Các thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành sớm. Nếu mọi thứ suôn sẻ, bộ công cụ chẩn đoán sẽ xuất hiện trên thị trường trong 2 năm tới.
Tiến sĩ Glyn Hiatt-Gipson, người đã giúp phát triển công nghệ, khẳng định bộ công cụ nhạy cảm hơn mũi của chó vốn có thể dễ dàng phát hiện người bệnh qua mùi, hơn nữa, bộ công cụ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo nên sẽ không ngừng phát triển.
Có thể trong tương lai gần, các bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán 400 bệnh qua hơi thở.