SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phía sau công nghệ nhận dạng khuôn mặt có gì

[25/01/2012 09:37]

Tính năng nhận dạng khuôn mặt đã bắt đầu xuất hiện trên các mạng xã hội. Mặc dù nhân viên làm việc ở cơ quan công quyền và những nhà quảng cáo không quá xa lạ với công nghệ này, nhưng liệu người dùng cuối có thể chấp nhận quyền riêng tư bị “soi mói” bằng công nghệ này?

Đầu năm 2011, trên Internet xôn xao sau khi Facebook giới thiệu phần mềm nhận dạng khuôn mặt dành cho các dịch vụ ảnh của họ. Công nghệ này giúp người dùng có thể tự động xác định danh tánh bạn bè qua ảnh chụp mà không cần có sự đồng ý của chủ nhân có mặt trong bức ảnh. Công nghệ này ra đời đã gây ra nhiều tranh cãi về vấn đề quyền riêng tư nhưng hiện tại nó đang được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Chắc chắn rằng cơ quan công quyền và các công ty có quy mô lớn đã tiếp cận với phần mềm nhận dạng khuôn mặt trong nhiều năm qua. Nhưng điều gì sẽ xảy ra về quyền riêng tư khi mà giờ đây tất cả mọi người đều có thể truy cập công nghệ này? Những doanh nghiệp nhỏ hơn và ngay cả cá nhân đang ứng dụng công nghệ này rất ấn tượng (có cả mặt tiêu cực) trong các phần mềm bảo mật.

Ở Las Vegas, Mỹ, các nhà quảng cáo đang dùng chương trình nhận dạng khuôn mặt để ứng dụng cho các mẫu quảng cáo nhắm đến khách qua đường dựa vào khả năng xác định lứa tuổi và giới tính để phát những mẫu quảng cáo đúng với đối tượng mà nhà quảng cáo muốn nhắm đến. Chẳng hạn, ở Chicago đã khởi động chiến dịch quảng cáo với tên gọi là công nghệ nhận dạng khuôn mặt qua đường liên kết (link) SceneTap bằng cách chụp ảnh ở các quán rượu hay câu lạc bộ để những người dùng khác có thể thấy được quán nào có tỉ lệ hấp dẫn nhất đối với nam giới hay nữ giới trước khi quyết định đến đó.

Còn nhiều lỗ hổng

Phần mềm nhận dạng khuôn mặt đã được sử dụng tại các cơ quan công quyền cũng như các công ty tuy vẫn còn nhiều lỗ hổng về mức độ chính xác. Ví dụ, trong cuộc bạo động ở London hồi tháng 8 vừa qua, một nhóm người của Google đã sử dụng những hồ sơ sẵn có trong cộng đồng và kết hợp với phần mềm nhận dạng khuôn mặt để xác định danh tính những kẻ gây ra bạo động. Tuy nhiên, nhóm này đã từ bỏ nỗ lực tìm kiếm khi mà chứng cứ đưa ra dựa vào ứng dụng nhận dạng khuôn mặt cho kết quả đáng thất vọng.

Một trường hợp khác, một người đàn ông ngụ tại Boston, Mỹ đã bị thu hồi bằng lái xe bởi vì phần mềm nhận dạng khuôn mặt đã quét các bức ảnh từ cơ sở dữ liệu hiện có, cho kết quả là bằng lái xe của người đàn ông này có dấu hiệu giả mạo. Nhưng sau đó, cơ quan có thẩm quyền đã kết luận rằng, hệ thống nhận dạng đã “nhầm” khuôn mặt ông này với một người khác.

Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành của Google, cho hay Google còn e ngại về mức độ chính xác của công nghệ nhận dạng khuôn mặt nên vẫn chưa có ý định xây dựng hệ thống tìm kiếm dựa vào công nghệ này.

Cảnh giác với phần mềm nhận dạng

Bạn có thể không cần đến sức mạnh của cơ quan công quyền hay Internet để khai thác công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Trong năm nay, hội thảo bảo mật Black Hat ở Las Vegas, Mỹ, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Carnegie Mellon (CMU) đã minh họa cách họ có thể thực hiện công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Nhóm nghiên cứu đã chụp các bức ảnh có khuôn mặt của một nhóm người và gửi những hình ảnh đó qua chương trình nhận dạng khuôn mặt mang tên Pitt Patt (Google đã tiếp quản Pitt Patt). Chưa đến 3 giây, chương trình đã so sánh các bức ảnh của nhóm nghiên cứu với các bức ảnh có sẵn trên Facebook và cho kết quả là 10 ảnh đã được trả về ứng với tên phù hợp. Quá trình này được chứng minh là cho kết quả chính xác hơn 30%.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã dùng thông tin góp nhặt được từ các hồ sơ (profile) Facebook để đoán ngày sinh hay nơi sinh của người nào đó và phần mềm Pitt Patt đã xác minh chính xác. Kết quả, việc tiên đoán 5 con số đầu tiên trong số An sinh xã hội (tại Mỹ) của từng người, mất khoảng 27% thời gian. Mặc dù vậy, Pitt Patt vẫn còn thiếu tiến trình nhận dạng khuôn mặt để “ăn khớp” với những khách qua đường ngẫu nhiên trong thời gian thực.

Các nhà phân tích cho rằng bởi vì có quá nhiều thông tin nhận dạng khuôn mặt có sẵn trên mạng, như trên Facebook và Flickr, do đó quyền riêng tư của người dùng có khả năng bị xâm phạm cực kì cao. Bên cạnh đó, sự phổ biến của camera giám sát gần như loại mất khả năng ẩn danh của người dùng từ khá lâu trước khi công nghệ nhận diện khuôn mặt ra đời.
PCWorld VN (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ