SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết nối nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia

[09/12/2021 10:16]

Sự ra đời của 'Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ' sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia” và ra mắt “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” vừa diễn ra, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) nhấn mạnh, quan điểm phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới, nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào VNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thứ trưởng khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phát huy vai trò kết nối các chuyên gia trí thức kiều bào tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động khoa học công nghệ trong nước và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc thành lập “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bảo hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ”.

Đây là mạng lưới được Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao bảo trợ. Ông Phạm Quang Hiệu bày tỏ kỳ vọng, thông qua mạng lưới này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Dương Hồng Anh, đại diện Văn phòng Bộ KH&CN Việt Nam tại nước ngoài chia sẻ: "Phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội dựa vào trí thức, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật ở nước ngoài là một trong những chủ trương định hướng của Đảng và Chính phủ. Trong thời gian vừa qua, các Văn phòng đại diện KH&CN tại nước ngoài đã phát huy mục tiêu nhiệm vụ được giao trong việc tiếp nhận, thu nhập các thông tin về tiến bộ kỹ thuật chuyển giao, làm cầu nối cho các dự án khoa học và công nghệ trong nước, thực hiện kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học công nghệ trong nước và các tổ chức quốc tế".

Ra mắt mạng lưới các hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Trong năm 2021, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ KH&CN triển khai thành công Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp toàn cầu 2021, thu hút được hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn và 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn. Chương trình này chính là tiền đề tiến tới thành lập Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào ở các nước hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ.

Phân tích các tác động của dịch Covid-19 tới hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng đại dịch đã tạo áp lực lên các quốc gia về việc thay đổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Do vậy, từ các tập đoàn lớn, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đều phải có điều chỉnh trong phương thức vận hành, ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất, tương tác, điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng thích ứng, linh động hơn với bối cảnh. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải có những giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ để bảo đảm công việc, hoạt động của tổ chức.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, đây chính là cơ hội lớn để các giải pháp sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng, thương mại hóa, đưa vào đời sống thực tiễn. Trong bối cảnh này, sự ra đời của “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ” sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mạng lưới sẽ thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào Việt Nam trên thế giới. Hiện đã có 21 vị chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia.

Mạng lưới sẽ kết nối các tổ chức, hiệp hội trong nước, đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến cho Việt Nam và từng địa phương trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho sự phục hồi, tăng tốc, phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.

Các thành viên cũng thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ công nghệ, phát triển thị trường của các làng công nghệ Techfest và đánh giá khả năng đáp ứng tại thị trường ở nước ngoài thông qua đầu mối là các hội trí thức. Một cơ sở dữ liệu chung về đổi mới sáng tạo và thương mại hoá sản phẩm công nghệ sẽ được tạo lập. Đối với từng lĩnh vực công nghệ sẽ có nhóm kết nối cố vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ cho biết, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong nước vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp này đã nhận được tổng số tiền đầu tư hơn 1 tỷ USD tập trung ở các lĩnh vực tài chính, sức khỏe và giáo dục... Cả nước hiện có 208 quỹ đầu tư đang hoạt động, 108 tổ chức đầu tư kinh doanh, cơ sở ươm tạo, 138 trường đại học, cao đẳng có tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trên 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Thông qua Mạng lưới, thông tin về hệ sinh thái đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được truyền tải một cách đầy đủ, liên tục và cập nhật đến cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng sẽ được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định những nỗ lực hợp tác của Bộ KH&CN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và nhiều bộ, ngành, cơ quan đặc biệt qua chương trình "Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" với mục tiêu xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã và đang triển khai sáng kiến về “Nền tảng đổi mới sáng tạo mở" nhằm thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và nhà sáng chế, nghiên cứu, công ty khởi nghiệp, từ đó tạo ra lực đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành phần kinh tế, góp phần giúp phục hồi và tăng trưởng chủ động trong thời kỳ bình thường mới.

https://vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ