Hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0: Từ chương trình đến hành động
“Từ chương trình đến hành động” là chủ đề của tọa đàm trực tuyến Việt Nam - Australia về hợp tác thúc đẩy Công nghiệp 4.0 do Đại học RMIT, Australia phối hợp cùng Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đồng tổ chức ngày 8/12/2021.
Đại biểu trình bày tham luận tại tọa đàm.
Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và quy trình về việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp; tìm hiểu các cơ hội hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp để đẩy mạnh việc chuyển đổi Công nghiệp 4.0, tập trung vào ưu tiên chiến lược đẩy mạnh phát triển công nghiệp đang diễn ra hiện nay tại Việt nam và sự sẵn sàng cho nguồn nhân lực và sự chuyển đổi để hỗ trợ cho Công nghiệp 4.0. Từ các thông tin tại tọa đàm, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có thêm cơ sở để định hướng chiến lược, phát triển hướng đến mở rộng và sâu hơn các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho Công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, với sự tham gia của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), là một trong những đại học mạnh nhất Việt Nam về KH&CN, đặc biệt là Công nghiệp 4.0 phối hợp cùng với Đại học RMIT sẽ tạo ra nhiều mạng lưới kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học trong tương lai. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng chia sẻ tầm nhìn, định hướng của Bộ KH&CN trong thích ứng với xu thế Công nghiệp 4.0; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công - tư nhằm thúc đẩy thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Trong đó ứng dụng công nghệ phải song song với phát triển chính sách và khuôn khổ pháp lý theo hướng tạo điều kiện phát triển, ứng dụng những công nghệ này. Phải chuyển đổi số sâu, rộng, trong đó yếu tố con người là trọng tâm của công cuộc chuyển đổi. Các doanh nghiệp và trường đại học phải tăng cường hợp tác hơn nữa, qua đó đưa ra những giải pháp cho công nghiệp 4.0. Thứ trưởng Duy cũng khuyến khích các doanh nghiệp, trường đại học Việt Nam và Australia có thể tận dụng các nguồn tài trợ từ Chính phủ để phục vụ nghiên cứu, phát triển học thuật và đổi mới sáng tạo.
Tại tọa đàm, các chuyên gia Australia cho rằng, việc xây dựng kỹ năng mới và chuyển đổi lực lượng lao động là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, đồng thời, chia sẻ về kinh nghiệm của Australia trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp trong các lĩnh vực phù hợp của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo công nghiệp, internet vạn vật, blockchain, điện toán đám mây, in 3D, an ninh mạng.
VVH