SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xử lý làm sạch đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học trong các hố chôn lấp tích cực

[11/02/2012 12:26]

Từ năm 1999, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện KH&CN VN) do PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đứng đầu đã nghiên cứu công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) để khử độc chất diệt cỏ/dioxin tồn đọng do chiến tranh để lại.

Sau 12 năm, công nghệ đã thành công ở qui mô hiện trường với khối lượng đất là 3384 m3. Sự thành công này xuất phát từ nhiều đề tài, dự án ở qui mô và các cấp quản lý khác nhau liên quan đến nghiên cứu: cơ bản, công nghệ, thử nghiệm qui mô lớn dần với các phân tích sâu sắc về bản chất của tập đoàn vi sinh vật bản địa và sự thay đổi nồng độ dioxin v.v...

Công nghệ phân hủy sinh học được thực hiện tại sân bay Biên Hòa là sự kết hợp có hiệu quả với công nghệ chôn lấp và hiện được gọi là công nghệ  “Chôn lấp tích cực” để khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin. Công nghệ này dựa trên cơ sở nghiên cứu quá trình phân hủy sinh học các chất chứa clo ở điều kiện hiếu khí, kị khí không bắt buộc và kị khí nghiêm ngặt của vi sinh vật bản địa và các yếu tố môi trường cùng với các phương pháp thi công phù hợp với các chất nguy hại, đặc biệt là dioxin.

Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học cùng các Viện chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc Phòng), sau 27 tháng xử lý, phân tích và đánh giá theo định kỳ ở 4 lô chứng minh được công nghệ “Chôn lấp tích cực” đã thành công. Với hàm lượng dioxin ban đầu trung bình lớn hơn 10.000 ppt sau thời gian xử lý nêu trên, lượng dioxin chỉ còn lại trung bình trên 50 ppt. Kết quả này được 3 phòng thí nghiệm (Hà Lan, CHLB Đức và PTN phân tích dioxin thuộc Bộ TN & MT) phân tích và giao trả vào tháng 1 năm 2012. Đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Biên Hòa đã được làm sạch với lượng dioxin còn lại dưới mức cho phép đối với đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp được Nhà nước phê duyệt.

Thành công của nhóm nghiên cứu cũng đã được Viện KH&CN Việt Nam thông báo tháng 7/2010 liên quan tới kết quả thử nghiệm xử lý khử độc đối với đất nhiễm rất nặng chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Đà Nẵng, ở quy mô 2 m3 hiện trường với 11 công thức khác nhau trong dự án hợp tác với Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) thực hiện vào năm 2009 do quỹ Ford tài trợ. Với nồng độ ban đầu của dioxin trong đất ô nhiễm trung bình lên tới trên 43.000 ppt, sau 6 tháng xử lý 30% tổng độ độc đã bị loại bỏ. 

Công nghệ chôn lấp tích cực được triển khai thành công mở ra con đường làm sạch an toàn đất, trầm tích nhiễm chất diệt cỏ/dioxin với chi phí thấp và phù hợp với điều kiện khoa học và công nghệ hiện nay của Việt Nam. Công nghệ này không những có khả năng xử lý làm sạch đối với đất, trầm tích nhiễm chất diệt cỏ/ dioxin, mà còn đối với các loại hình ô nhiễm các chất chứa halogen, trước mắt là ô nhiễm DDT, TNT, HCH và các chất bảo vệ thực vật khác .

NASATI (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ