Thị giác máy (Machine Vision) là một ví dụ quan trọng về loại hình công nghệ có khả năng biến quy trình chế tạo thành một quy trình dựa vào thông tin. Thị giác máy không chỉ đơn thuần ghi lại hoặc biểu lộ hình ảnh thô, giống như bất cứ một camera nào đều có thể làm, mà còn phải nhận biết được những đối tượng thực tế ở trong ảnh và định ra các thuộc tính của những đối tượng đó- nghĩa là phải hiểu được ý nghĩa của chúng.
Với ý nghĩa như vậy, thị giác máy sẽ
giúp cho mọi khía cạnh của công việc chế tạo, bao gồm các nguyên công từ lưu
kho, vận chuyển, đến gia công cắt gọt và lắp ráp, đều trở nên hiệu quả hơn nhiều.
Ví dụ, nếu một dụng cụ thao tác (chẳng hạn
như súng phun sơn) có thể nhận biết và điều chỉnh theo từng hướng và vị trí của
đồ vật ở trong thùng đựng, hoặc trên dây chuyền, thì ta sẽ không cần phải chi
phí cho việc thiết kế, xây dựng và quản lý các cơ cấu giúp cho các đồ vật đó ở những
vị trí cố định, ổn định. Nếu thị giác máy có thể giúp máy nhận biết được một
chi tiết/đồ vật, thì ta khỏi phải mất tiền để gắn vào đó thẻ FRID (nhận dạng
bằng tần số vô tuyến), hoặc mã vạch.
Một máy “nhìn” được thì không những có thể
kiểm định được những đồ vật đi qua, mà cả những đối tượng và những quá trình
nằm trong trường của nó. Điều này có tiềm năng giúp hạ thấp chi phí bảo dưỡng
và kiểm tra chất lượng.
Những khả năng nói trên nghe có vẻ khó tin,
nhưng thị giác máy hiện nay đã là một lĩnh vực công nghiệp thực sự. Hãng tư vấn
Vision Systems International ước tính tổng giá trị của ngành này ở Hoa Kỳ lên
tới 1,5 tỷ USD. Hiện tại, công nghệ này phần lớn được ứng dụng để kiểm định, nhất
là trong ngành bán dẫn và điện tử, nhưng nó đang được hoàn thiện rất nhanh. Một
trong những ứng dụng mới nhất của công nghệ này là kiểm soát sự tương tác của
dụng cụ, chẳng hạn như súng phun sơn, để đảm bảo sự phù hợp với các đối tượng
chuyển động, lúc lắc liên tục.
Ed Roney, Trưởng nhóm Thị giác robot của
Hãng Fanuc Robotics ở Nhật Bản cho biết các robot hiện nay của hãng này đã có
khả năng dùng thị giác để lắp ráp các bộ dụng cụ, nghĩa là nó có thể thu lượm
các loại chi tiết cần thiết theo danh mục cho trước từ những thùng đựng rồi bao
gói chúng lại thành một bộ dụng cụ A theo yêu cầu, tiếp đó lại thu lượm các chi
tiết khác cho bộ dụng cụ B v.v…
Viện Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp
Chicago sử dụng các robot có thị giác của Fanuc để giúp khách tham quan thiết
kế ra các trò chơi của họ, sau đó những robot này chế tạo để khách quan sát. Còn
đối với việc sử dụng thị giác máy để chế tạo các sản phẩm tích hợp, Roney cho
biết hiện đã ứng dụng thị giác và robot để chế tạo điện thoại di động và để lắp
ráp nhiều sản phẩm, bao gồm bút máy và xe hơi.
P.A.T - Theo Manufacturing, 2/2012(nthieu)