Hà Nội 'xin' cơ chế thử nghiệm chính sách mới về KH&CN và đổi mới sáng tạo
(VietQ.vn) - TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép thành phố thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới...
Những kết quả đạt được về quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN
Báo cáo kết quả hoạt động quản lý nhà nước về phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), với công tác xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật về phát triển thị trường KH&CN, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã ban hành trên 15 văn bản gồm 2 chương trình của Thành ủy; 3 nghị quyết của HĐND Thành phố; 2 đề án, 5 kế hoạch.
Bên cạnh đó, thành phố tích cực tham gia quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý, thường xuyên trao đổi thông tin, cung cấp số liệu thực tiễn và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan đến phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về thị trường KH&CN, Hà Nội chú trọng và đổi mới theo từng năm thông qua các sự kiện, hội nghị, hội thảo. Về hỗ trợ, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN: Hà Nội đã triển khai, đưa vào sử dụng có hiệu quả 3 dự án hạ tầng KH&CN đã được phê duyệt để nâng cao tiềm lực KH&CN.
Về phát triển nguồn cung công nghệ và doanh nghiệp KH&CN, TP.Hà Nội chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong tất cả các ngành, lĩnh vực của Thủ đô, trong đó tập trung phát triển có chọn lọc một số công nghệ trọng điểm, công nghệ tiên tiến, có tác động to lớn tới việc hiện đại hóa các ngành kinh tế kỹ thuật, tạo điều kiện hình thành và phát triển một số ngành nghề mới; tạo ra sản phẩm có khả năng xuất khẩu và việc làm có thu nhập cao cho các tầng lớp dân cư.
Thông qua nhiệm vụ KH&CN hàng năm một số doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN đã được hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, trực tiếp sản xuất sản phẩm từ kết quả KH&CN làm cơ sở thành lập doanh nghiệp KH&CN. Tính đến tháng 9/2022 Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 127 doanh nghiệp KH&CN đã được chứng nhận trên tổng số khoảng 600 doanh nghiệp KH&CN của cả nước.
Về thu hút nguồn vốn của xã hội đầu tư cho KH&CN: Công tác xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tích cực tham gia, cơ cấu đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN với đóng góp của các nguồn vốn ngoài ngân sách ngày càng được mở rộng thông qua 3 phương thức sau:
Thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua dự án sản xuất thử nghiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BKHCN-BTC. Thứ hai, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đề nghị cơ quan chuyên môn về KH&CN xem xét, đánh giá, cấp giấy xác nhận kết quả nghiên cứu. Thứ ba là thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp để triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp, nâng cao tiềm lực KH&CN của doanh nghiệp.
Thứ nhất về những mặt đã đạt được, thời gian qua hoạt động KH&CN của thành phố Hà Nội nói chung và phát triển thị trường KH&CN nói riêng được Thành ủy quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Thứ hai, Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KH&CN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng "chất xám" của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Thứ ba, tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư phát triển. Thứ tư, bố trí nguồn nhân lực, nỗ lực không ngừng và đóng góp nhất định cho việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam. Thứ năm, thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Các sản phẩm KH&CN đã và đang trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng.
Thứ sáu, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện kết nối cung-cầu công nghệ, các hội nghị, hội thảo liên ngành, liên vùng. Thứ bảy, hoạt động ươm tạo công nghệ từ các kết quả đề tài nghiên cứu các cấp cũng được triển khai với nhiều kết quả, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa và xuất khẩu. Thứ tám, về khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp đã được quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: báo Dân Việt
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một là, hoạt động KH&CN của TP. Hà Nội chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Hai là, việc phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng vẫn còn hạn chế. Thị trường KH&CN của Thủ đô còn manh mún, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố của thị trường, hiệu quả chưa cao; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi chuyển giao công nghệ.
Ba là, chưa huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường KH&CN: Số doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp được thu hút tham gia, chủ trì các đề tài, đặc biệt là dự án sản xuất thử nghiệm nhằm tạo ra được công nghệ mới và trực tiếp đưa kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vào sản xuất thành các sản phẩm thương mại còn rất ít so với tổng số doanh nghiệp của Thủ đô.
Bốn là, việc Nhà nước hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả sản phẩm từ các nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố còn rất hạn chế do chưa giải quyết được các vướng mắc theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP về bồi hoàn giá trị tài sản là trang thiết bị nghiên cứu hoặc là kết quả nghiên cứu có sử dụng NSNN.
Năm là, việc thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn hạn chế. Tỉ lệ trích lập quỹ thấp, không ổn định qua các năm. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trích lập quỹ nhưng không sử dụng được.
Xin thử nghiệm cơ chế mới
Về các đề xuất kiến nghị, Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới; đổi mới cơ chế quản lý cho hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Thứ hai là hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế. Thứ ba là thông qua Hội đồng điều phối vùng Thủ đô đề xuất với Chương trình KH&CN quốc gia đặt hàng và giao Thủ đô Hà Nội chủ trì các nhiệm vụ KH&CN có tính liên vùng, liên ngành để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội vùng Thủ đô.
Thứ tư là phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (ngành tài chính, cơ quan thuế, ngành khoa học và công nghệ, ngành kế hoạch và đầu tư) trong hướng dẫn doanh nghiệp trích và sử dụng quỹ; thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với doanh nghiệp không thực hiện theo quy định.
Bảo Lâm