Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ
Trong giai đoạn 2021-2025, các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng để hoạt động nghiên cứu.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đồng thời, doanh nghiệp phải thành lập, đăng ký kinh doanh dưới 5 năm và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt tỷ lệ theo quy định tối thiểu 30% trên tổng doanh thu...
Theo Bộ KH&CN, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục tập trung phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nâng số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh mối liên kết nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ phấn đấu hoàn thiện quy định về cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao; giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao chuyển đến Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ phối hợp với địa phương, đơn vị nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, với mục tiêu hướng tới là ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nâng cao mức độ tự động hóa trong các khâu của quy trình sản xuất, các sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, khả năng cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ thêm về vấn đề phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho rằng, tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số doanh nghiệp còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tác động đủ lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của công nghệ, đổi mới công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thậm chí, qua khảo sát của Bộ KH&CN cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu hằng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%). Đặc biệt, có tới 80% doanh nghiệp chưa hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, trong giai đoạn 2021-2025, các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt về công nghệ cần được khuyến khích về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và hỗ trợ tín dụng để hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ theo chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, ươm tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới và mô hình kinh doanh.
Bảo Lâm