Khởi động lại Dự án đầu tư công nghệ Nhà máy lọc dầu Cát Lái: Tránh lệ thuộc vào đối tác
Sau hơn 4 năm bị trì hoãn vì nhiều lý do, vừa qua, Sở KH-CN TPHCM tổ chức Hội đồng khoa học thẩm tra lại Dự án đầu tư công nghệ nâng chỉ số Octan phân đoạn Naphtha tại Nhà máy lọc dầu Cát Lái, do Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Sài Gòn Petro) làm chủ đầu tư, với tổng vốn xây dựng hơn 377 tỷ đồng. Nếu được triển khai, đây sẽ là dự án góp phần đáng kể vào ổn định nguồn xăng dầu sản xuất trong nước.
Không quá phức tạp
Năm 2001, trước yêu cầu nâng cao chất lượng xăng dầu
trên thị trường, trong đó cấm các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu xăng pha
chì, Sài Gòn Petro đã quyết định nâng cấp, đổi mới hệ thống lọc dầu cũ kỹ của
Nhà máy lọc dầu Cát Lái, được xây dựng vào năm 1982, đồng thời tìm kiếm công
nghệ nâng cao chỉ số Octan Ron trong xăng theo quy định. Tuy nhiên, phải đến
tận năm 2007, Sài Gòn Petro mới nhận được yêu cầu từ đối tác là một công ty
xăng dầu lớn tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ mới có tên là MUP-Non hydro
RIPP. Đây là công nghệ sản xuất xăng có chỉ số Octan cao từ nguồn nguyên liệu condensate,
sử dụng một chất xúc tác mới có tên Zeolite RGW-1, do Viện Công nghệ hóa dầu
Trung Quốc nghiên cứu tổng hợp thành công năm 2003 và hiện đang áp dụng tại 4
nhà máy lọc dầu vừa và nhỏ của nước bạn.
Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn
Petro, các hệ thống lọc dầu phổ biến theo công nghệ Isome hóa hoặc Reforming
yêu cầu nguồn kinh phí xây dựng rất lớn, công nghệ lại phức tạp. Trong khi đó,
MUP lại là công nghệ có thiết kế đơn giản, đầu tư thấp, vận hành linh hoạt,
không sử dụng hydro (tiết kiệm đáng kể chi phí) và có thể sử dụng nguồn nguyên
liệu đa dạng. Bên cạnh đó, trên nền cơ sở thiết bị hệ thống lọc dầu cũ hiện có
của Nhà máy lọc dầu Cát Lái, hệ thống mới này có thể đấu nối dễ dàng và không
tốn quá nhiều thời gian. Với các yêu cầu vừa phải như nhiệt độ lò từ 300-4000C,
áp suất 0-0,5Mpa, chất xúc tác có tuổi thọ đến hai năm và có thể tái chế trở
lại với năng suất hơn 90%, các thiết bị đi kèm được chế tạo đơn giản, có thể
sản xuất được trong nước khi có hỏng hóc xảy ra.
Ông Sang cũng cho biết thêm, hiệu suất thu hồi sản phẩm
xăng và khí tự nhiên LPG đạt 98%, xăng có chỉ số Octan Ron 87-90 với chất lượng
tốt, có thể pha chế thành xăng Ron 92, 95 và cả 98. Đặc biệt, việc thu hồi đồng
thời 2 sản phẩm là xăng và khí tự nhiên LPG sẽ cho phép nhà máy tự chủ động
năng suất của từng sản phẩm theo giá cả và nhu cầu thị trường.
Cẩn trọng khi chuyển giao
Hiện nguồn xăng dầu sản xuất trong nước chiếm khoảng
30%, chủ yếu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phần còn lại chủ yếu là nhập khẩu
xăng dầu từ nước ngoài. Chính vì thế, theo nhận xét chung của các nhà khoa học
tại hội đồng, một khi có sự biến động của thị trường thế giới, tình hình xăng
dầu trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, nâng cao năng lực sản xuất xăng
dầu trong nước là việc làm cấp thiết, dù đó là các nhà máy lọc dầu nhỏ như Cát
Lái. Hơn nữa, với năng suất hơn 25.000 tấn/năm, đây vẫn xem là nguồn đáng kể
giúp ổn định thị trường xăng dầu phía Nam.
“Hiện Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn Euro 2 cho xăng
dầu, sắp tới đây sẽ là Euro 3, Euro 4, bắt buộc Nhà máy lọc dầu Cát Lái phải
đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng xăng dầu nếu muốn tồn tại. Tuy nhiên,
cần thẩm tra kỹ công nghệ, đặc biệt là các đối tác đến từ Trung Quốc, khi có
quá nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng công nghệ mà các đối tác này cung cấp
trong suốt thời gian qua”, TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Lọc hóa dầu cho
biết.
PGS-TS Phan Đình Tuấn, Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa
TPHCM nhận định: “Điểm mấu chốt của công nghệ này là chất xúc tác Zeolite RGW-1
và cũng là thứ ta hoàn toàn lệ thuộc vào phía bạn. Vì thế, ngoài việc đánh giá
chuẩn xác tác dụng của chất xúc tác này, trong hợp đồng chuyển giao, cần yêu
cầu đối tác cam kết cung cấp thường xuyên chất xúc tác trên trong thời hạn ít
nhất 20 năm, đồng thời ổn định giá cả hoặc chênh lệnh không đáng kể trong suốt
thời gian đó. Tránh tình trạng thiếu hụt thành phần chính này trong quá trình
đi vào sản xuất. Về lâu dài, có thể tìm hiểu sâu hơn về chất xúc tác, tránh lệ
thuộc phía bạn”.
Chủ trì tại Hội đồng thẩm tra công nghệ, PGS-TS Phan
Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM đánh giá: “Đây được xem là công nghệ mới, phù
hợp với điều kiện sản xuất xăng dầu trong nước. Hơn nữa, công nghệ này đơn giản
và thân thiện với môi trường. Hai chất đáng lo nhất trong quá trình sản xuất là
nước nhiễm dầu và khí bụi đều có thể kiểm soát được với các điều kiện an toàn
hiện có tại Nhà máy lọc dầu Cát Lái.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả cho đề án, Sở KH-CN sẽ
hỗ trợ Sài Gòn Petro trong việc xây dựng một tổ tư vấn, giám sát dự án trong
nước bao gồm các nhà khoa học thuộc hai lĩnh vực kỹ thuật và pháp lý. Còn ưu
tiên trước mắt là tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cho
dự án quan trọng này”.