SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

TP.HCM: Phát hiện hàng ngàn sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu

[17/04/2023 10:00]

Lực lượng chức năng TP.HCM vừa phát hiện, tạm giữ rất nhiều sản phẩm thời trang giả nhãn hiệu nổi tiếng.

Hàng ngàn sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu bị cơ quan chức năng thu giữ. 

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản/nickname mang tên "Xưởng may Thư Duyên", "Xưởng May Thư Duyên 5" quảng cáo các sản phẩm thời trang như quần kaki mang thương hiệu Under Armour, với dòng cam kết "100% hài lòng", "cam kết chất lượng, giá cả hợp lý nhất, đội ngũ chuyên nghiệp"… Đi kèm với đó là những hình ảnh uy tín về xưởng may và ngập tràn hàng hóa về thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ - Under Armour.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh) xác định, đây là hàng hóa giả nhãn hiệu được trữ tại một căn nhà không số, nằm kế bên nhà số 2E3, đường Phạm Đăng Giảng, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân. Sau quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn T.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông T thừa nhận, phần lớn sản phẩm tại cơ sở này được kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử. Hàng sau khi chốt đơn được đóng gói và sử dụng đơn vị trung chuyển để giao đến tay người đặt theo hình thức ship code.

Theo lời khai của chủ cơ sở, trung bình mỗi ngày có từ 250-300 đơn chốt, đóng và vận chuyển đến tay khách hàng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.640 chiếc quần kaki có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Under Armour và hình ảnh đang được bảo hộ tại Việt Nam. Lô hàng có tổng trị giá trên 217 triệu đồng.

Ông T - chủ hộ kinh doanh cũng không xuất trình cho lực lượng chức năng giấy đăng ký kinh doanh ở một địa chỉ khác so với địa điểm đang được kiểm tra. Các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng đều không có. 

Theo tìm hiểu, hiện nay trên thị trường, giá của một chiếc quần chính hãng Under Armour từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn tại cơ sở này, mỗi chiếc quần được quảng cáo mang thương hiệu trên có mức giá từ 129.000 - 169.000 đồng tùy dáng dài hay ngắn, chỉ bằng 1/10 so với hàng chính hãng của nhãn hiệu Under Armour.

Xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp, số lượng hàng hóa thu giữ lớn, Đoàn kiểm tra đang hoàn thiện thủ tục để chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định.

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 quy định: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa; bao bì hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu; hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu; đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Như vậy quần áo giả nhãn hiệu chính là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; các hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất; nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu: Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP cũng quy định về biện pháp khắc phục hậu quả; với hành vi bán quần áo giả mạo nhãn hiệu:

Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này;

Buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa; đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 10 Điều này; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 11 Điều này.

www.vietq.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ