SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tập trung đưa AI thành công nghệ cốt lõi xây dựng nền kinh tế số TP.HCM

[18/04/2023 14:07]

Với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững, TP.HCM đã thông qua 9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 đưa trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh.

Đây là nội dung quan trọng của kế hoạch triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” năm 2023 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký ban hành.

1. Triển khai đề án Xây dựng hạ tầng số

Theo đó, TP tiếp tục các mục tiêu bao gồm: định hướng phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn TP, hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng mạng di động 5G; đẩy mạnh việc chuyển đổi, ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6) cho tất cả các hệ thống, ứng dụng của sở, ngành trên địa bàn TP; phát triển hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT).

Năm 2023, triển khai hạ tầng 5G và hạ tầng kết nối IoT cho TP. Thủ Đức và các quận, huyện; lập khái toán kinh phí và thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án Hạ tầng viễn thông phục vụ đô thị thông minh TP.HCM; triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ đề tài “Xây dựng khung kiến trúc hạ tầng IoT cho TP.HCM”.

2. Nghiên cứu phương án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao

Mục tiêu của phương án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ hệ sinh thái AI bao gồm nghiên cứu và ứng dụng AI. TP phân công Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất phương án sau khi kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu và đề xuất thiết kế hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ cho TP.HCM”. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì lập đề án và triển khai dự án đầu tư, phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện lập đề án xây dựng hạ tầng tính toán dựa trên kết quả nghiên cứu, phục vụ hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng AI.

3. Nghiên cứu phương án xây dựng hạ tầng dữ liệu

Năm nay tiếp tục triển khai theo kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Yêu cầu triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TP bằng các kế hoạch thực thi cụ thể, tập trung nguồn lực, cơ chế tài chính thúc đẩy chuyển đổi số những lĩnh vực TP đang xác định ưu tiên, gồm: (1) nhóm dữ liệu phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; (2) nhóm dữ liệu liên quan đến thông tin của người dân; (3) nhóm dữ liệu về phát triển kinh tế, tài chính.

Sau khi Đại học Quốc gia TP.HCM kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030” và đề xuất phương án, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì lập đề án và triển khai dự án đầu tư, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng bộ dữ liệu nghiên cứu AI thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.

4. Tổ chức ngày hội doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông và AI 

Ngày hội dự kiến diễn ra vào quý 4 và TP sẽ tổ chức, xét tặng giải thưởng “Công nghệ thông tin - Truyền thông TP.HCM”. TP sẽ tiếp tục tổ chức hội thi thử thách AI năm 2023, thông qua liên kết với các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo hình thành chuỗi sự kiện trong năm, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan thông qua cuộc thi bồi dưỡng kiến thức, nhận thức, tạo sự quan tâm về AI cho học sinh, sinh viên. Chủ trương của TP là xây dựng hội thi AI thành một sự kiện hằng năm của TP trên cơ sở kế thừa kết quả các năm trước và định hướng theo những bài toán TP cần giải quyết.

Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

5. Khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển AI

Mục tiêu nhằm tổ chức khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển AI của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bao gồm khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực AI. Bên cạnh khảo sát nhu cầu, ứng dụng của AI, ChatBot AI trong thực tế, chương trình còn khảo sát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về AI với đối tượng khảo sát là các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức, UBND các quận, huyện.

6. Xây dựng cơ chế, chính sách về AI

Kế hoạch đề ra đến quý 4 năm nay, TP sẽ hoàn thiện đề án về cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030. Từ đó, TP sẽ có các khung pháp lý, cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển AI từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách về AI sẽ cần đánh giá thực trạng về hoạt động phát triển nguồn nhân lực; hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng; hoạt động hợp tác và thương mại hóa kết quả nghiên cứu AI; từ đó có các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM.

7. Nghiên cứu thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI; Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI

Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI dự kiến là cầu nối giữa nhà khoa học và tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng AI với các nội dung: quảng bá sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm đào tạo về AI của các trường đại học; thông tin về nhu cầu ứng dụng AI và nhu cầu đào tạo AI của các doanh nghiệp; thông tin các cuộc thi ứng dụng AI của TP.HCM.

Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI TP.HCM sẽ được thành lập với kỳ vọng tạo ra giá trị tương lai trong ngành tin học, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu AI; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển tích hợp trong các lĩnh vực liên quan đến AI; thúc đẩy tạo ra hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông tiên tiến cho công tác nghiên cứu và giáo dục; thúc đẩy mối quan hệ đối tác, hợp tác với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước; tiếp nhận đặt hàng nghiên cứu AI và thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ về AI cho các đơn vị có nhu cầu ứng dụng; liên kết nghiên cứu và đào tạo với các trường đại học, v.v...

8. Nghiên cứu phương án xây dựng mạng lưới nghiên cứu phát triển AI 

TP giao Đại học Quốc gia TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, đề xuất phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo trong năm 2023, đồng thời tổ chức hội thảo thông tin về kết quả nghiên cứu trong quý 2.

9. Triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực AI 

Năm 2023 tiếp tục triển khai theo kế hoạch thực hiện đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế; xây dựng và triển khai “Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực AI năm 2023”.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM về giải pháp đào tạo chuyển giao công nghệ, tập huấn giáo viên dạy môn học trí thông minh nhân tạo AI - Robotics; phối hợp trường Đại học Sài Gòn thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng nội dung dạy học AI cho học sinh phổ thông”; phối hợp Đại học Quốc gia TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ thông qua cuộc thi AI bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về AI trong học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, TP cũng khuyến khích các tập đoàn công nghệ trong nước, viện nghiên cứu, trường đại học đề xuất các giải pháp giải quyết các bài toán đặt ra của các sở, ngành tại TP, thử nghiệm và ứng dụng các sản phẩm AI. Các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện được yêu cầu cần đề xuất, đặt hàng các ứng dụng AI phục vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như các bài toán cụ thể để áp dụng AI vào phục vụ công tác quản lý, điều hành tại đơn vị và phục vụ người dân.

www.khoahocphothong.com.vn (nhnhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ