Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm có 6 Chương và 91 Điều, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cơ sở là xã, phường, thị trấn (cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Về những nội dung cơ bản, Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai; hình thức và thời điểm công khai thông tin; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giá sát; trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định các nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Luật cũng quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. Theo đó, đối với mỗi nhóm nội dung hoạt động bàn và quyết định hay tham gia ý kiến hay kiểm tra, giám sát, Luật đều quy định rõ về những nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, trách nhiệm trong việc tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định, đóng góp ý kiến và kiểm tra giám sát. Tại cơ quan, đơn vị, Luật có quy định về thành lập và những nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.
Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động quy định tại Luật quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin và trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định cụ thể nội dung, hình thức người lao động bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức hội nghị người lao động, trách nhiệm trong việc tổ chức để người lao động bàn, quyết định, tham gia ý kiến. Luật cũng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát. Riêng đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, Luật quy định theo hướng khái quát và viện dẫn áp dụng pháp luật, đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật lao động về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.
Xem chi tiết Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại địa chỉ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-luat-so-10-2022-qh15-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-119221212165541651.htm
Hữu Kha (Tổng hợp)