Kiểm soát đo lường với thiết bị sạc điện cho xe điện
Việc xây dựng các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm thiết bị sạc điện cho xe điện nhằm thống nhất hoạt động kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo, đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của phép đo, kết quả đo đối với phương tiện đo này khi dùng cho mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường...
Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu thì điện khí hóa và giảm thiểu phát thải là ưu tiên toàn cầu hiện nay. Trong những năm qua, việc chuyển dịch từ ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang ô tô, xe máy điện đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu công cuộc điện khí hóa lĩnh vực ô tô. Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu khi sử dụng xe điện là thiết bị sạc điện cho xe điện.
Câu hỏi đặt ra là hạ tầng mạng lưới trạm sạc có làm tốt và đảm bảo năng lượng cho những chuyến đi tương tự như mạng lưới trạm xăng đang làm hay không. Do vậy, hệ thống trạm sạc là vấn đề sống còn cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh này. Để người dùng xe điện có thể yên tâm sử dụng xe thì hệ thống trạm sạc cần phát triển đến hàng trăm nghìn cổng sạc hoặc hơn thế nữa. Với con số khổng lồ đó chúng ta cần đẩy mạnh việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị sạc điện cho xe điện mới đón đầu nhu cầu sử dụng của người dùng xe điện.
Trên thế giới, hiện có khoảng 16,5 triệu chiếc ô tô điện, riêng năm 2021 tăng 6,6 triệu chiếc, riêng tháng 3 đầu năm 2022 bán ra khoảng 2 triệu chiếc. Gần 10% doanh số bán toàn cầu là ô tô điện.
Năm 2021 có khoảng 1,8 triệu điểm sạc công cộng trên toàn thế giới, 1/3 trong đó là sạc nhanh. Riêng năm 2021 lắp đặt 500 nghìn bộ sạc. Ước tính năm 2040 cần 290 triệu điểm sạc để có thể chuyển đổi sang xe điện theo cam kết (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).
Châu Âu, năm 2021 có khoảng 290 nghìn điểm sạc và mục tiêu đến năm 2025 là 1 triệu điểm sạc và đến năm 2030 là 3 triệu điểm sạc (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA). Trung Quốc, năm 2021 có khoảng 1,1 triệu điểm sạc. Mục tiêu điện khí hoá năm 2022 có đủ trạm sạc cho 20 triệu EV, phân bổ đều ở cả khu vực nông thôn và hành lang vận tải (hiện nay 70% tập trung ở Quảng Đông và Thượng Hải), 60-80% điểm dịch vụ trên đường cao tốc có trạm sạc nhanh... Xây dựng 1000 trạm đổi pin và sản xuất 100 nghìn xe có khả năng đổi pin. Nhiều chính sách thúc đẩy ưu đãi cho việc phát triển trạm sạc ở cả trung ương và địa phương (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).
Trụ sạc DC 360 KW và trụ sạc DC 60 KW
Nhật Bản, mục tiêu đến năm 2030 có 150 nghìn điểm sạc, đòi hỏi đầu tư hạ tầng cỡ 342 triệu USD, trong đó 114 triệu USD cho các trạm sạc mới và trạm nạp nhiên liệu hydrogen. (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).
Hàn Quốc, mục tiêu năm 2022 nâng từ 8.000 lên 30.000 điểm sạc với đầu tư trạm sạc chậm tăng 21 lên 65 triệu USD và sạc nhanh tăng từ 3,9 lên 32 triệu USD. (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).
Thái Lan, hiện có 1.500 trạm sạc công cộng. Mục tiêu đến năm 2030 có 12.000 trạm sạc nhanh và 1.450 trạm đổi pin cho xe máy điện. (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).
Mỹ hiện có 100 nghìn trạm sạc công cộng. Mục tiêu đến năm 2030 có 500 nghìn trạm sạc nhanh và đầu tư 5 tỷ USD cho mục tiêu này. Chính phủ Mỹ đã soạn thảo đề xuất tiêu chuẩn hóa hệ thống trạm sạc xe điện do chính phủ hỗ trợ tài chính, để đồng bộ hóa công nghệ sạc công cộng trên cả nước. Các trạm sạc có khoảng cách tối đa 80,5 km (50 dặm) và đặt cạnh một trạm xăng truyền thống. Mỗi trạm sạc "tiêu chuẩn" cũng cần ít nhất 4 thiết bị sạc điện cho xe điện (loại sạc thường) cho phép người dùng sạc 4 xe cùng lúc và 4 thiết bị sạc điện cho xe điện (loại sạc nhanh). Tiến tới sử dụng chung một ứng dụng cho tất cả các loại trạm sạc. (Nguồn: Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA).
Tại Việt Nam, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast hiện đang là nhà sản xuất ô tô điện duy nhất tại Việt Nam. VinFast đã xây dựng hạ tầng mạng lưới trạm sạc ngay từ khi chưa sản xuất xe điện. Đây là lĩnh vực mới và chưa có nhiều thông lệ nên việc xây dựng hệ thống trạm sạc có khá nhiều bất cập. Ví dụ: Chưa có các quy định, chỉ tiêu kỹ thuật riêng cho thiết bị sạc điện, các yêu cầu, quy định trong vận hành thiết bị sạc. Trong khi đến thời điểm này ước tính có đến hơn 18.000 thiết bị sạc điện cho xe điện được sản xuất trong nước và gần 1.000 thiết bị sạc điện cho xe điện nhập khẩu đã được lắp đặt và hàng nghìn thiết bị khác đang chuẩn bị được lắp đặt.
Căn cứ tình hình thực tế, trước sự phát triển nhanh của dòng xe điện trên thế giới và Việt Nam, thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) đã nghiên cứu về mặt kỹ thuật đối với thiết bị sạc điện cho xe điện và nhận thấy đây là thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị cung cấp chức năng chuyên dụng để cấp điện năng sạc (Bên bán điện) cho xe điện (Bên mua điện), đồng thời có chức năng đo đếm, xác định lượng điện năng đã tiêu thụ để sạc cho xe điện. Việc sạc điện (gọi cách khác là cấp năng lượng) cho xe điện được thực hiện thông qua thiết bị sạc điện cho xe điện, đây là phương tiện đo có chức năng chuyên dụng để cấp điện năng và xác định chính xác lượng điện năng sạc cho xe điện.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đo lường “phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định”. Vì vậy, thiết bị sạc điện cho xe điện là phương tiện đo nhóm 2 cần phải quản lý nhà nước về đo lường.
Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 07 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 (Thông tư 23), Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo chưa bao gồm thiết bị sạc điện cho xe điện.
Ngày 20/11/2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1914/SKHCN-Ttra về việc rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung các Thông tư, trong đó có đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, bổ sung phương tiện đo: Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Ngày 26/12/2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8353/BCTKHCN gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề xuất bổ sung Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Do đó, việc rà soát, sửa đổi bổ sung Danh mục phương tiện đo nhóm 2 tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN là vấn đề đặt ra cần phải giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Chính vì vậy, thời gian qua, Tổng cục đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép bổ sung Thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2. Đồng thời, xây dựng các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm phương tiện đo này trên cơ sở nghiên cứu tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Đo lường pháp định OIML G 22 “Các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình thử nghiệm và kiểm soát đo lường đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện” (OIML G 22 - Electric Vehicle Supply Equipment - EVSE).
Việc xây dựng các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm thiết bị sạc điện cho xe điện nhằm thống nhất hoạt động kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo, đảm bảo độ tin cậy và tính chính xác của phép đo, kết quả đo đối với phương tiện đo này khi dùng cho mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường...
Hiện nay, Tổng cục đã xây dựng dự thảo và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lương đối với phương tiện đo nhóm 2 (dự kiến ban hành vào Tháng 11/2023) với nội dung bổ sung thiết bị sạc điện cho xe điện vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường.