SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một giải pháp đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp Nhà nước

[16/04/2012 16:54]

Thị trường công nghệ chưa phát triển được cho là nguyên nhân khiến việc nghiên cứu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp ở Việt Nam diễn ra rất chậm chạp. Nghĩa là, do chưa có chợ nên người mua và người bán khó tìm được đến với nhau. Và ngược lại, do người bán và người mua chưa tích cực tìm đến với nhau nên chợ vẫn chưa thể hình thành.

Để sớm vượt qua được vướng mắc mang tính chất con gà – quả trứng này, một trong những giải pháp đột phát mà Nhà nước có thể xem xét, đó là: yêu cầu đổi mới công nghệ ở những doanh nghiệp sản xuất của Nhà nước đang làm ăn thua lỗ, không đủ sức cạnh tranh vì công nghệ lạc hậu, và đang gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư mua lại phần vốn của Nhà nước.

Trong số hơn 300 doanh nghiệp mà Nhà nước dự kiến thoái vốn năm ngoái, chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp thoái vốn thành công. Nhà nước hiện nay còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, trong đó có nhiều doanh nghiệp khó thoái vốn vì công nghệ sản xuất lạc hậu, lại không có những lợi thế hấp dẫn khác, chẳng hạn như không có những bất động sản có giá trị cao. 

Để thoát khỏi bế tắc, thay vì chấp nhận bán rẻ phần vốn của mình tại các doanh nghiệp này, tốt hơn là Nhà nước nên buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải trình cơ quan chức năng duyệt một dự án chi tiết về đổi mới công tác quản lý và cải tiến công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển.

Những doanh nghiệp nào không tự xây dựng được dự án chi tiết thì có thể đề xuất ra một số mục tiêu cải tiến kỹ thuật cần thiết với các cơ quan và tổ chức nghiên cứu. Các cơ quan và tổ chức nghiên cứu sẽ trực tiếp liên hệ, thỏa thuận với doanh nghiệp về kế hoạch tổ chức thực hiện dự án nghiên cứu đổi mới công nghệ, với mức kinh phí do các bên tự thỏa thuận thu xếp. Tuy nhiên, Nhà nước có thể cho vay với điều kiện kế hoạch nghiên cứu đã được qua thẩm định bởi một cơ quan chức năng chuyên trách, đồng thời khoản vay là do doanh nghiệp cũng như nhà nghiên cứu cùng tham gia đăng ký vay từ Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia(ĐMCNQG), và cùng có nghĩa vụ trả nợ sau một thời gian ân hạn nhất định.

Trong vòng một năm kể từ khi Nhà nước đặt ra yêu cầu cải tiến công nghệ, nếu nghiên cứu có kết quả khả quan, đáp ứng đề bài của doanh nghiệp, nhà nghiên cứu phải thông báo để cơ quan chức năng tổ chức nghiệm thu. Nếu nghiệm thu thành công, doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ kinh phí theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức nghiên cứu. Trong trường hợp kinh phí nghiên cứu do nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cùng đăng ký vay, thì phần nghĩa vụ thanh toán của nhà nghiên cứu tự động chuyển thành nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Sau khi kết quả nghiên cứu được nghiệm thu, doanh nghiệp có nghĩa vụ xây dựng một dự án chi tiết về cải tiến công nghệ trình cơ quan chức năng thẩm định. Nếu dự án được phê duyệt, khi triển khai, Nhà nước có thể cho vay qua Quỹ ĐMCNQG (nếu doanh nghiệp không huy động được vốn). Lãi suất khoản vay này sẽ được tự điều chỉnh, tùy theo tiến độ thanh toán của doanh nghiệp sau này. Doanh nghiệp càng sớm thanh toán nợ thì mức lãi suất tự động điều chỉnh và càng tăng tính ưu đãi.

Trong trường hợp dự án có tính rủi ro tương đối cao, để tăng tính an toàn cho Nhà nước, thay vì trực tiếp cho doanh nghiệp vay, Nhà nước có thể đứng ra bảo lãnh khoản vay từ các ngân hàng thương mại, với nguồn bảo lãnh chính là phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp. Như vậy, nếu dự án không thành công thì kịch bản xấu nhất là Nhà nước mất đi phần vốn tại doanh nghiệp, tức là không tệ hơn so với việc để cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì công nghệ lạc hậu, không thể cạnh tranh và đi đến phá sản. Ngược lại, nếu dự án đổi mới công nghệ thành công thì doanh nghiệp sẽ tồn tại và làm ăn có lãi. Khi đó, giá trị phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ được bảo tồn mà sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, giá trị lớn nhất dưới góc độ nhà quản lý chính là sự gia tăng các mối liên hệ, số lượng các giao dịch giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để từng bước hình thành và phát triển được một thị trường công nghệ như chúng ta mong muốn.  

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ