Mười năm qua, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần quyết định vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, nhưng theo Bộ NN&PTNT, tăng trưởng GDP trong nông nghiệp ngày càng giảm.
Nếu giai đoạn 1995-2000 đạt 4%/năm, thì
giai đoạn 2001-2005 là 3,83% và đến giai đoạn 2006-2010 chỉ còn là 3,3%; năng
suất và chất lượng của nhiều sản phẩm nông nghiệp rất thấp so với các đối thủ
cạnh tranh, ô nhiễm môi trường tăng, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, v.v.
Để giải quyết tình trạng đáng báo động này,
đa số các chuyên gia và nhà quản lý nông nghiệp đều thấy nhất thiết phải cải
tiến công nghệ trong nông nghiệp. Do vậy trong Đề án Tái cơ cấu ngành theo
hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT
đã coi việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực
giống cây trồng, vật nuôi, chế biến là giải pháp hàng đầu để có thể đạt được
mục tiêu tăng trưởng GDP từ 3,5-4% vào năm 2020.
Khái niệm công nghệ cao khiến chúng ta dễ
hình dung về những mục tiêu to tát, hoành tráng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông
nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao chỉ cần tập trung vào một vài khía cạnh hết
sức đơn giản, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. Chẳng hạn như khi Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang ngày 17/3 đến thăm xã Ea-Tul tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu mô
hình công nghệ Israel, đã được ông A Ma Chương cho biết việc áp dụng công nghệ
“tưới nhỏ giọt” do các chuyên gia nước bạn hướng dẫn đã giúp vườn cà phê của
gia đình ông có năng suất gấp 3 lần trước đây.
Như vậy, cái chúng ta cần ở đây là những
mục tiêu và giải pháp cụ thể, đồng thời có cơ sở rõ ràng cho những mục tiêu và
giải pháp ấy. Trong bối cảnh tiềm lực KHCN còn nhiều hạn chế, để giải pháp đưa
công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có tính khả thi, chúng ta cần xác định
cụ thể ưu tiên ứng dụng CNC vào cây trồng, vật nuôi nào phù hợp với điều kiện
tự nhiên và có lợi thế cạnh tranh nhất trên thị trường thế giới, từ đó tập trung
nghiên cứu để tạo được các giống cây, con mà mình đã lựa chọn.
Còn với những mục tiêu chung chung như
trong Đề án Phát triển Nông nghiệp CNC đến năm 2020 đã được Chính phủ phê
duyệt: tạo ra và đưa vào sản xuất được 2-3 giống cây trồng chuyển gene, 2-3
giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học; công nhận và đưa
vào sản xuất 2-3 giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây
trồng vật nuôi và thủy sản, v.v, không hề giúp chúng ta hình dung hiệu quả đạt
được về mặt kinh tế sẽ là gì. Thay vì đề ra những mục tiêu chưa rõ ràng như
vậy, chúng ta có thể học tập Đài Loan về những mục tiêu cụ thể trong ứng dụng
công nghệ cao cho nông nghiệp, chẳng hạn như tập trung nghiên cứu phát triển
giống hoa lan Hồ Điệp cũng đã tạo nên một thương hiệu quốc gia.
Tương tự như vậy với các doanh nghiệp CNC
trong nông nghiệp cũng cần xác định cụ thể Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ
trợ cho ngành nào, lĩnh vực nào, ở địa phương nào để thu hút sự quan tâm của
các nhà đầu tư chứ không thể chỉ có những các chỉ tiêu khá mơ hồ như xây dựng
được 3-4 doanh nghiệp, 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp, cả nước có 3-5 khu nông
nghiệp ứng dụng cao.
Bên cạnh đó cần tiếp tục triển khai những
biện pháp tác động trực tiếp lên quá trình phát triển ứng dụng CNC vào sản xuất
nông nghiệp như hình thành và đưa vào hoạt động các trung tâm ươm tạo CN trong
các khu CNC nhằm tạo điều kiện khởi đầu có các nhà khoa học và doanh nhân có ý
tưởng phát triển doanh nghiệp dựa trên những sản phẩm CNC; hình thành quỹ đầu tư
mạo hiểm và cơ chế tài chính thích hợp nhằm khuyết khích phát triển doanh
nghiệp vừa và nhỏ CNC trong nông nghiệp; tập trung đầu tư để ngành CNSH thực sự
trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ
những nước có nền công nghệ trong nông nghiệp cao hơn của Việt Nam (chẳng hạn
như hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, Israel, v.v).