UNESCO và Hà Lan thiết kế dự án giám sát AI
Ngày 05/10/2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESSCO) và chính phủ Hà Lan đã khởi động một dự án về giám sát đạo đức đối với trí tuệ nhân tạo (AI). Dự án mang tên “Supervising AI by Competent Authorities” (Giám sát AI bởi các cơ quan quản lý có năng lực). Dự án này sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền trên toàn Liên minh châu Âu (EU) xây dựng năng lực cần thiết để đảm bảo các hệ thống AI tuân thủ Đạo luật AI của EU và phù hợp với Khuyến nghị về đạo đức của AI do UNESSCO đưa ra.
Những động thái này của UNESCO được đưa ra sau khi Đạo luật AI của EU được quốc hội thông qua vào tháng 6/2023. Đây là một bộ quy tắc toàn diện để phát triển AI trong EU. Các quốc gia thành viên của EU cũng đang xem xét các chiến lược phát triển và quản lý AI. Ngày 25/08/2023, Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch thành lập cơ quan quản lý AI và chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo sự phát triển AI ở nước này là “toàn diện, bền vững và lấy người dân làm trung tâm”.
Theo thông báo của UNESSCO, AI là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Mặc dù các công nghệ AI đã chứng minh được vị trí đặc biệt của chúng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhưng chúng cũng đặt ra cho nhân loại một danh sách dài các thách thức xã hội và rủi ro tiềm ẩn. AI đang buộc các chính phủ trên khắp thế giới phải suy nghĩ về những khuôn khổ, thể chế và năng lực mà họ sẽ cần để giải quyết những thách thức mà AI mang tới một cách hiệu quả.
Để hỗ trợ chính quyền Hà Lan trong nhiệm vụ phức tạp này, UNESCO sẽ đưa ra một báo cáo toàn diện về tình hình thực hiện và các hoạt động giám sát AI hiện có ở châu Âu. Bên cạnh đó, UNESCO sẽ thực hiện một loạt nghiên cứu điển hình về giám sát AI, đưa ra một bộ các quy tắc thực hành tốt nhất để giải quyết các trường hợp và vấn đề cụ thể về giám sát AI, đồng thời tổ chức các buổi đào tạo để nâng cao năng lực thể chế.
Thúc đẩy phát triển đạo đức và ứng dụng các công nghệ mới nổi là một trong những chức năng cốt lõi của UNESCO. Nhận thấy sức mạnh biến đổi chưa từng có của AI, các quốc gia yhành viên của UNESCO đã thông qua Khuyến nghị về Đạo đức của AI vào tháng 11/2021, như một tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị AI có đạo đức. Khuyến nghị được xây dựng dựa trên các giá trị và nguyên tắc phổ quát, đồng thời cung cấp hướng dẫn chính sách trên 11 lĩnh vực để quản lý và giám sát AI hiệu quả hơn.
UNESCO hiện đang hỗ trợ hơn 50 quốc gia áp dụng Khuyến nghị và các điều khoản của nó. Quá trình này bao gồm việc đánh giá tình trạng quản trị ở các quốc gia và hỗ trợ họ xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để lấp đầy những khoảng trống chính sách, điều chỉnh luật hiện hành và phát triển luật mới nhằm giải quyết các rủi ro mà AI có thể mang lại.