Bản đồ công nghệ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông - Thay đổi mang tính cách mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là Bộ, ngành đầu tiên nghiên cứu, công bố 8 bản đồ công nghệ trong tất cả các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Bộ.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III với các đối tượng quản lý tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã công bố Bản đồ công nghệ lĩnh vực TT&TT. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ là để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng làm công cụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, lập chiến lược mang tính dẫn dắt, xây dựng các kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung và dài hạn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ, gắn với chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về ứng dụng, triển khai công nghệ mới, tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ đã lỗi thời.
Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước Quý III của Bộ TT&TT tại Hà Nội
Sau 03 tháng nghiên cứu, 11 đơn vị của Bộ đã xây dựng được phiên bản đầu tiên của 08 Bản đồ công nghệ cho 8 lĩnh vực TT&TT gồm: Viễn thông, Bưu chính, Báo chí, Xuất bản, Chính phủ số, An toàn thông tin, Đại học số, Công nghệ số.
Bản đồ công nghệ lĩnh vực An toàn thông tin. Ảnh MIC
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc nhận định: “Lĩnh vực báo chí của chúng tôi không phải là lĩnh vực công nghệ nhưng không thể thiếu công nghệ. Được Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo, đã có được một bản đồ công nghệ gồm 12 công nghệ, định hướng công nghệ cho lĩnh vực báo chí trong nhiều năm tới. Đặc biệt là với công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại nhiều năm về tự động hóa nghiệp vụ, trải nghiệm người dùng, bằng công nghệ nền tảng số, nhận dạng tiếng nói, cá nhân hoá trải nghiệm người dùng, rô-bốt, tổng hợp tiếng nói từ văn bản…”.
Còn theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên: “Xuất bản, In và phát hành là lĩnh vực tư tưởng văn hóa nhưng đồng thời là lĩnh vực kinh tế - công nghệ. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ có vai trò quyết định đến sự phát triển của ngành. Việc ra đời Bản đồ công nghệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt, giúp cho công tác quản lý bám sát các yêu cầu về phát triển công nghệ, đồng thời chỉ dẫn cho các đơn vị trong lĩnh vực Xuất bản, In và phát hành nắm bắt để xây dựng định hướng phát triển của đơn vị, doanh nghiệp mình. Với việc chỉ ra các công nghệ và lộ trình phát triển công nghệ quan trọng cho phát triển ngành, như: Công nghệ OCR, Gen AI, in 3D... , tôi tin đây là cơ hội tốt để ngành giải quyết các bài toán lớn, để giúp ngành phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Bản đồ công nghệ là cố gắng của Bộ TT&TT trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp trong ngành cũng chưa xây dựng được bản đồ công nghệ vì còn bận bịu việc kinh doanh. Bộ trưởng chỉ đạo gửi trực tiếp Bản đồ công nghệ Bộ vừa công bố cho một số đơn vị lớn trong ngành, các đơn vị này áp dụng vào hoạt động của mình, trên cơ sở đó đánh giá mình đang ở đâu. Sau đó, gửi lại kết quả về cho Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, đánh giá và tư vấn.
08 bản đồ công nghệ được giới thiệu đầy đủ tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/160393/Ban-do-cong-nghe-linh-vuc-thong-tin-va-truyen-thong.html
Các công nghệ này dự kiến sẽ có ảnh hưởng to lớn đối với cách sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin được tạo ra và cung cấp trong khoảng thời gian từ 2 đến 10 năm tới. Quốc gia nào mà thực hiện việc tiếp thu và áp dụng những công nghệ này vào sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin của họ sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn và đề kháng tốt hơn trong thời kỳ mới.
Nói cách khác, bản đồ công nghệ sẽ trở thành một công cụ hữu ích mà các cơ quan chính phủ có thể sử dụng để hỗ trợ quản lý, xây dựng chiến lược dẫn dắt, và lập kế hoạch triển khai từ ngắn hạn đến trung hạn và dài hạn, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và kế hoạch phát triển trong các lĩnh vực và ngành. Hơn nữa, bản đồ này cũng có thể hỗ trợ các đơn vị và doanh nghiệp trong việc đưa ra quyết định về việc sử dụng và triển khai các công nghệ mới, giúp họ tránh đầu tư quá sớm hoặc quá muộn khi công nghệ trở nên lạc hậu.