"Kim thông minh" giúp chẩn đoán ung thư nhanh chóng
Chiếc kim được ứng dụng công nghệ gọi là quang phổ Raman, chiếu tia laser công suất thấp đi vào phần cơ thể, giúp người bệnh phát hiện ra ung thư nhanh chóng.
Loại kim khâu thông minh đã được phát triển bởi các nhà khoa học ở Anh, giúp tăng tốc độ phát hiện và chẩn đoán ung thư.
Các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ này có thể giúp đỡ trong việc chẩn đoán ung thư hạch, giảm sự lo lắng của bệnh nhân trong lúc chờ kết quả xét nghiệm. Hiện tại, người bị nghi ngờ mắc ung thư hạch phải được lấy mẫu tế bào, sinh thiết hạch để được chẩn đoán chính xác, vốn mất khá nhiều thời gian.
“Kim thông minh Raman có thể đo đạc sự thay đổi phân tử liên kết với bệnh ở mô và tế bào nằm ở đầu kim. Từ đó chúng tôi có thể xác định xem người bệnh có khỏe hay không”, Trưởng dự án giáo sư Nick Stone nói.
Quang phổ Raman chủ yếu dùng để đo đạc mật độ và bước sóng của ánh sáng do phân tử phát ra. Quang phổ Raman đã được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y học và điều chế thuốc như đo đạc tính chất của bệnh viêm nhiễm.
Chiếc kim có thể phát hiện ra mầm bệnh ung thư một cách nhanh chóng
Nhà khoa học Michael Morris thuộc Đại học Michigan, Mỹ cho biết laser Raman có thể thay thế cho rất nhiều phương pháp phẫu thuật và chẩn đoán. Ưu điểm lớn nhất của quang phổ Raman chính là nó không cần phải xâm nhập cơ thể bệnh nhân, tốc độ chẩn đoán nhanh hơn và chính xác hơn so với phương pháp phẫu thuật truyền thống.
Khi một người nào đó sinh bệnh hoặc sắp sinh bệnh, chất hóa học trong các cơ quan của cơ thể có sự khác biệt lớn so với chất hóa học trong các cơ quan của cơ thể khỏe mạnh, do đó quang phổ Raman có thể phát sinh sự thay đổi trong các tổ chức ở những cơ thể khác nhau.
Các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Rutherford Appleton, Anh thường xuyên sử dụng laser Raman để phân tích tình trạng vôi hóa trong mô vú, bởi vôi hóa là dấu hiệu sơ khai của bệnh ung thư.
Phương pháp chẩn đoán quang phổ Raman có thể thực hiện sự chẩn đoán trong vòng vài phút và người bệnh có thể không cần đến việc chụp X-quang.