SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Người lao động cần làm chủ công nghệ nếu không muốn bị AI thay thế

[23/10/2023 09:48]

Nhiều lao động trên thế giới đang có nguy cơ bị AI (trí tuệ nhân tạo) thay thế, Việt Nam ít bị tác động nhưng không nằm ngoài guồng quay.

Thị trường lao động thế giới rung chuyển vì AI

AI đang dần thay thế con người ở tất cả các lĩnh vực. Theo báo cáo của McKinsey, tỷ lệ phần trăm thời gian của nhân viên có thể được tự động hóa bằng AI và các công nghệ khác được dự báo tăng lên 60-70%, so với tỉ lệ 50% trước đây.

Đặc biệt, vào năm 2022, hơn 50% tổ chức được khảo sát đã áp dụng AI trong ít nhất một đơn vị kinh doanh hay một bộ phận chức năng, cho thấy tiềm năng phát triển và ứng dụng to lớn của AI trong việc mở rộng quy mô hoạt động và năng lực sản xuất.

Theo phân tích của Gartner, các dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu trong thị trường IoT có khả năng đạt 58 tỷ USD vào năm 2025, từ đó thúc đẩy nhu cầu ngày một gia tăng về nhân sự công nghệ thông tin.

Tại Hàn Quốc Bộ trưởng Lao động và Việc làm ông Lee Jung Sik dẫn báo cáo “Tương lai việc làm 2023” của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trong đó 69 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện và 83 triệu vị trí bị loại bỏ vào năm 2027. Trong báo cáo, WEF dự đoán những nghề nghiệp phát triển nhanh nhất sẽ là chuyên gia AI và máy học, phân tích thông tin kinh doanh, chuyên gia an toàn thông tin, còn sụt giảm nhanh nhất là nhân viên ngân hàng, thu ngân, nhập liệu cơ bản.Bộ trưởng cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi nhanh chóng cuộc sống của mọi người, xu hướng rất khó dự đoán, gây lo ngại về việc AI sẽ làm con người trở nên dư thừa. Hai nghiên cứu độc lập của ngân hàng Goldman Sachs và OpenAI, Đại học Pennsylvania đều ước tính giới nhân viên văn phòng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ AI.

Trước thực tế trên, ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ Goldman Sachs đã dự đoán trong một báo cáo vào tháng 3 năm nay, có tới 300 triệu việc làm toàn thời gian có thể bị mất vào tay trí tuệ nhân tạo.

Tại Mỹ, khoảng 7% công việc có thể bị thay thế bởi AI, 63% có AI tác động và 30% không bị ảnh hưởng. Trong đó, các công việc hỗ trợ hành chính và văn phòng có thể được tự động hóa cao nhất với tỉ lệ lên đến 46%, tiếp theo là các vị trí về pháp lý (44%), và 37% cho các công việc liên quan đến kiến ​​trúc và kỹ thuật.

Báo cáo tuyên bố rằng 18% tổng số công việc trên toàn cầu có nguy cơ bị tự động hóa bởi AI. Theo phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, Hồng Kông (Trung Quốc), Israel, Nhật Bản, Thụy Điển, Mỹ, Vương quốc Anh là những quốc gia, khu vực có ngành nhân lực chịu tác động lớn nhất từ sự phát triển của AI.Trong khi đó, nhân lực của Ấn Độ, Kenya, Việt Nam, Trung Quốc đại lục, Nigeria, Thái Lan ít có khả năng bị AI thay thế nhất, với tỉ lệ từ 15% trở xuống.

Làm chủ công nghệ trước khi bị AI thay thế

Theo TS. Đinh Ngọc Minh - Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, Đại học RMIT Việt Nam, số lượng nhân lực AI tại Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp có nguồn dữ liệu lớn từ khách hàng, thị trường song lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ nhân lực chuyên sâu về AI, đồng thời hiểu vấn đề của doanh nghiệp và phù hợp với môi trường của họ. Các lĩnh vực đang thiếu nhân lực về AI tập trung ở nhóm ngành tự động hóa, sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, xây dựng và bất động sản…

Thực tế nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực AI tại Việt Nam đã ít, trong khi hiện nay, lượng sinh viên đăng ký đào tạo AI và khoa học dữ liệu cũng thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực AI ở Việt Nam không chỉ ở hiện tại mà trong tương lai là rất lớn. Nguyên nhân là phần lớn phụ huynh, học sinh vẫn chưa hiểu rõ về tiềm năng và cơ hội của lĩnh vực AI nên không lựa chọn. Mặt khác, để có thể theo đuổi lĩnh vực này, đòi hỏi người học cần có nền tảng cứng về toán, khoa học, kỹ thuật, máy tính lập trình, thống kê... Tiếp theo đó là trình độ tiếng Anh và các kỹ năng mềm như: Tư duy phân tích phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm... mà những điều đó thì không nhiều người có thể đáp ứng được.

Để phổ cập AI đến mọi người mọi lĩnh vực các chuyên gia đề xuất, tăng cường sự liên kết giữa nhà trường, Nhà nước và nhà tuyển dụng. Trong đó, Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý, ban hành chính sách, xây dựng chiến lược ở tầm vĩ mô và cấp thêm ngân sách. Nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng các mô hình sư phạm tiên tiến, tuyển dụng thêm giảng viên, xây thêm phòng học và phòng thực hành, mở rộng thêm quy mô đào tạo. Doanh nghiệp hỗ trợ các trường đại học, như: Tài trợ xây dựng thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; bổ sung thêm nhiều học bổng; nhận sinh viên thực tập; phối hợp cùng thực hiện các dự án thực tiễn.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và top 50 của thế giới. Trong định hướng chiến lược xác định phát triển nguồn nhân lực AI bằng cách triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng AI và khoa học dữ liệu. Triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về AI cho sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp. Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng AI. Nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về AI tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu.

https://vietq.vn/ (nttvy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ