SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ngành công nghiệp IP Việt Nam - Đã có những tín hiệu đáng mừng

[15/05/2012 23:00]

Trong ngành thiết kế vi mạch, IP là một lõi sở hữu trí tuệ bán dẫn (semiconductor intellectual property core), hay gọi tắt là lõi IP (IP core) là một bộ phận thiết kế cho phép tái sử dụng.

Đôi nét về lõi IP

Lõi IP có thể là một thiết kế cho một mạch logic, hay cho cả một chip. Lõi IP với nhiều tính chất cơ bản như:  tính bảo hộ về mặt pháp luật trong đó có quyền sở hữu và quyền tác giả; tính nhượng quyền sử dụng và kinh doanh dưới hình thức cấp bản quyền sử dụng.

Ngoài ra, lõi IP còn được mở rộng thêm với các tính chất như tính tương thích hệ thống, tức IP bán dẫn là một thành phần của thiết kế tổng thể nên phải có tính tương thích với một vài hệ thống khác nhau; tính tái sử dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau... Theo Giám đốc ICDREC (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế Vi mạch, trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) Ngô Ðức Hoàng, việc sử dụng lõi IP trong thiết kế giúp người sử dụng giảm chi phí thiết kế sản phẩm, giảm thời gian thiết kế sản phẩm, tiết kiệm nhân lực thiết kế, khắc phục các hạn chế về công nghệ, dễ dàng phát triển, nâng cấp sản phẩm.

Thị trường lõi IP “made in Vietnam” – vẫn còn bỏ ngỏ

Trên thế giới, thị trường lõi IP cung cấp bản quyền sử dụng cho ngành công nghiệp thiết kế vi mạch để phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực viễn thông, điện toán, lưu trữ, xử lý số, vận tải và điều khiển công nghiệp. Theo ICDREC, trong những năm qua, công nghiệp IP bán dẫn luôn duy trì tốc độ phát triển cao gấp đôi so với ngành công nghiệp bán dẫn. Số liệu từ nghiên cứu của Gartner Corp cho thấy quy mô thị trường lõi IP bán dẫn đạt 1,35 tỷ USD vào năm 2009 và 1,67 tỷ USD vào năm 2010.

Nghiên cứu của TechNavio dự đoán thị trường lõi IP sẽ đạt mốc hai tỷ USD vào năm 2012 và 2,3 tỷ USD năm 2014, duy trì mức tăng trưởng 7,75% trong năm năm liên tiếp. Các thống kê từ hai sàn giao dịch lõi IP lớn là ChipEstimate và Design and Reuse cũng cho thấy số lượng các giao dịch lõi IP tăng đều đặn trong những năm gần đây. Hiện nay, hình thức giao dịch lõi IP chủ yếu là cấp bản quyền sử dụng. Giá trị các hợp đồng này thường rất lớn, từ vài trăm nghìn USD (các lõi IP giao tiếp thông thường) cho đến hàng chục triệu USD (các lõi IP vi xử lý). 

Tại Việt Nam, thị trường lõi IP ở Việt Nam gần như là chưa có và còn bỏ ngỏ, các hợp đồng chuyển nhượng license có thể đếm trên đầu ngón tay…

Hiện chỉ mới có ICDREC là đơn vị nghiên cứu và phát triển lõi IP thực hiện kinh doanh lõi IP sàn giao dịch quốc tế. Từ năm 2005, nhận thấy nhu cầu và xu hướng của thị trường IP toàn cầu, ICDREC đã nghiên cứu phát triển một số lõi IP quan trọng. Theo Giám đốc Ngô Ðức Hoàng, chất lượng lõi IP của Việt Nam bước đầu được các đối tác đánh giá cao và một số đối tác như Evatronix, công ty hàng đầu về giải pháp thiết kế và cung cấp IP tại châu Âu đã ký kết hợp tác chiến lược phối hợp trao đổi công nghệ, phát triển các sản phẩm, liên kết kinh doanh sản phẩm IP của các đơn vị trên toàn thế giới. Các sản phẩm tạo ra vừa giúp ICDREC tiết kiệm chi phí đồng thời lại được tham gia vào thị trường IP toàn cầu và trong nước thông qua hai sàn giao dịch IP là ChipEstimate và Design and Reuse. Xu hướng phát triển lõi IP cũng xuất hiện những năm gần đây tại các trường, viện đánh dấu những nỗ lực ban đầu của đội ngũ nghiên cứu khoa học Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ thiết kế lõi này. 

Những sản phẩm lõi IP đầu tiên của Việt Nam

Theo ông Ngô Đức Hoàng, từ năm 2005, nhận thấy nhu cầu và xu hướng của thị trường IP toàn cầu, ICDREC đã nghiên cứu phát triển một số lõi IP quan trọng. Những lõi IP này có tính năng tương đương với các lõi IP nước ngoài, một mặt giúp ICDREC tiết kiệm chi phí mua lõi IP khi phát triển các dự án thiết kế chip, mặt khác lại được triển khai tham gia vào thị trường IP toàn cầu và trong nước thông qua hai sàn giao dịch IP là ChipEstimate và Design and Reuse.

Tính đến thời điểm hiện tại, ICDREC đã hoàn thành hơn 20 lõi IP và đang phát triển hơn 10 lõi IP khác. Một số lõi IP có giá trị kinh tế cao như lõi IP vi xử lý VN32-02, lõi IP điều khiển bộ nhớ DDR3, lõi IP giải mã MPEG-4, lõi IP mã hóa ảnh JPEG-2000… Đây là những sản phẩm lõi IP có độ phức tạp cao, cần thiết phải được kiểm tra, kiểm định chất lượng kỹ lưỡng trước khi tham gia thị trường lõi IP quốc tế. 

Phòng kiểm định lõi IP đầu tiên tại Việt Nam ra đời – tín hiệu khởi sắc cho ngành công nghệ IP

Ngày 29/3/2012, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khai trương Phòng kiểm định lõi IP cho ngành thiết kế vi mạch do Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đầu tư.  

Phòng kiểm định có tổng kinh phí đầu tư gần 7,2 tỷ đồng, toàn bộ kinh phí được trích ra từ nguồn ngân sách nhà nước. Phòng kiểm định lõi IP ra đời nhằm mục đích thúc đẩy và nhân rộng ngành công nghiệp vi mạch tại TP Hồ Chí Minh. Phòng có khả năng kiểm dịnh lõi IP vi xử lý 32 bit, lõi IP dùng trong xử lý ảnh, lõi IP điều khiển bộ nhớ DDR2/DDR3, lõi IP dùng trong thiết bị viễn thông. Mục đích xây dựng phòng kiểm định là để kiểm tra các lõi IP do ICDREC thiết kế và phát triển. Ngoài ra, Phòng còn kiểm định lõi IP của các đơn vị khác tại TP Hồ Chí Minh thiết kế, kể cả làm dịch vụ cho các doanh nghiệp mua lõi IP từ nước ngoài và kiểm định cho các đơn vị nước ngoài.  

"Công nghệ vi mạch là ưu tiên hàng đầu của TP Hồ Chí Minh. Đầu tiên chúng ta có trung tâm thiết kế vi mạch, rồi sản xuất chip, nhiều vi mạch nhưng kiểm định sản phẩm thiết kế vi mạch - lõi IP thì hiện nay mới có", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đôc Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh, đánh giá. 

Hiện nay, phòng kiểm định IP đã được trang bị các thiết bị hiện đại, bao gồm các máy phân tích logic chuyên nghiệp, phần mềm hỗ trợ chuyên dụng và các KIT FPGA cao cấp, máy phân tích phổ, dao động ký số... Nhân viên trong phòng là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và kiểm định vi mạch.

Đồng thời, tại lễ khai trương, ICDREC và Evatronix, công ty hàng đầu về giải pháp thiết kế và cung cấp IP tại Châu Âu đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược giữa hai bên nhằm phối hợp trao đổi công nghệ, phát triển các sản phẩm, liên kết kinh doanh sản phẩm IP của hai đơn vị trên toàn thế giới.

Lời kết

Điểm lại các sự kiện, như ICDREC phát triển thành công chip VN8-01, chip VN 16-32 hay Tổng Công ty Công nghiệp xây dựng nhà máy chip… thì sự ra đời của phòng kiểm định lõi IP cho ngành thiết kế vi mạch đã thể hiện rõ một bước tiến mới trong ngành thiết kế vi mạch của TP Hồ Chí Minh nói riêng và công nghệ Việt Nam nói chung. 

Phòng kiểm định lõi IP ra đời đã tạo thêm tinh thần làm chủ của ngành công nghiệp Việt Nam đối với một lĩnh vực công nghệ then chốt và đó là giá trị bền vững. Còn giá trị kinh tế có thể thấy rõ: nếu không có phòng kiểm định IP cho ngành thiết kế vi mạch thì chúng ta phải tốn từ 5 đến 15 ngàn USD cho một lần kiểm định mỗi IP ở nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa, có phòng kiểm định, các IP do Việt Nam phát triển để tích hợp lên các chip của Việt Nam sẽ đỡ tốn kém, nhanh hơn và hạn chế sự lệ thuộc vào bên ngoài…

Phòng kiểm định lõi IP ra đời sẽ thúc đẩy và nhân rộng ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam - là nơi hỗ trợ đắc lực cho các trường, viện nghiên cứu tại Việt Nam kiểm định các thiết kế vi mạch, giúp hoàn thiện các sản phẩm với các tiêu chí chất lượng quốc tế. Động thái này cũng cho thấy rõ quyết tâm từng bước làm chủ công nghệ vi mạch trên những cơ sở hạ tầng mới của các chuyên gia công nghệ Việt Nam, với hy vọng rằng những sản phẩm có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao từ ngành vi mạch “made in Việt Nam” sẽ không còn xa lạ. 

http://xahoithongtin.com.vn (lntkhanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ