Lợi ích từ sáng kiến vệ sinh “nóng” sứ cách điện
Trước đây, biện pháp duy nhất để giải quyết việc nhiễm bẩn cách điện, giảm được phóng điện, tránh được sự cố, nhưng không để hệ thống điện bị gián đoạn là cắt điện đường dây và công nhân vệ sinh thủ công từng bát sứ.
Việc vệ sinh thủ công này không chỉ tốn kém
mà còn tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động khi phải làm việc trong môi
trường điện siêu cao áp, đồng thời, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn là
bài toán nan giải của những người làm công tác quản lý kỹ thuật lưới điện quốc
gia vì tăng nguy cơ mất ổn định của hệ thống điện và thiếu nguồn cho phụ tải.
Trước thực trạng đó, anh Nguyễn Văn Xuân
và anh Nguyễn Trí Dũng - Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã đăng ký
nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước
áp lực cao” nhằm mục đích giảm thiểu việc cắt điện, chủ động trong xử lý nhiễm
bẩn cách điện. Chính sự chủ động sáng tạo trong lao động, đề tài khoa học
này đã được ghi dấu ấn khi đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học công
nghệ Việt Nam Vifotec năm 2011.
Theo anh Nguyễn Văn Xuân - Phó Giám đốc
PTC3, trước khi thực hiện đề tài này, biện pháp duy nhất hiện nay để
giải quyết việc nhiễm bẩn cách điện là cắt điện đường dây, công nhân vệ sinh
thủ công từng bát sứ một.
Ở các nước phát triển việc vệ sinh cách
điện hầu như được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện), bằng
các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên
dụng; môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao.
Trong khi đó điều kiện kinh tế đất nước
còn khó khăn, kinh phí của ngành Điện còn eo hẹp, việc đầu tư trang bị công
nghệ, phương tiện, thiết bị vệ sinh cách điện hotline hiện đại của nước ngoài
là bất khả thi trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, nghiên cứu một giải pháp vệ sinh
cách điện hotline lưới truyền tải, phù hợp với đặc thù quản lý vận hành và khả
năng tài chính của ngành Điện là hướng suy nghĩ táo bạo và đầy sáng tạo của
những cán bộ kỹ thuật PTC3.
Đề tài này phù hợp với địa hình vùng núi,
Tây Nguyên có thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, độ ẩm cao cùng với
bụi đất đỏ Bazan nên rêu và bụi bẩn bám chặt trên sứ cách điện của
đường dây và trạm biến áp. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an
toàn cho hệ thống điện quốc gia.
Ngoài giải Nhì, đề tài còn được trao
tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng Lao động sáng tạo, Kỷ niệm
chương Tuổi trẻ sáng tạo.
Tạp chí Công nghiệp, 5/2012 (nthieu)