MoodCapture dựa vào AI quét nét mặt để phát hiện trầm cảm
Nhận dạng cảm xúc là bước tiếp theo của công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Nhận dạng khuôn mặt hoạt động bằng cách ghi lại và phân tích những đặc điểm độc đáo trên khuôn mặt như khoảng cách giữa hai mắt, hình dạng của mũi, đường nét trên khuôn mặt và các đặc điểm nổi bật khác. Nhận dạng cảm xúc dù cũng tập trung vào các đặc điểm trên khuôn mặt, nhưng còn tiến thêm một bước nữa thông qua việc cố gắng tìm hiểu và diễn giải những cảm xúc biểu hiện trên khuôn mặt của mọi người.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ đã phát triển được ứng dụng mới dựa vào AI có tên là MoodCapture với khả năng nhận dạng nét mặt của một người để xác định người đó có bị trầm cảm hay không.
MoodCapture sử dụng camera trên điện thoại để quan sát khuôn mặt của bạn và những gì đang diễn ra xung quanh khi bạn sử dụng điện thoại. Sau đó, ứng dụng kiểm tra những bức ảnh đó để xác định xem những dấu hiệu nào cho thấy bạn bắt đầu cảm thấy chán nản. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm ứng dụng trên 177 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng. Kết quả dự đoán chính xác lên đến 75%.
Andrew Campbell, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Đây là lần đầu tiên những hình ảnh tự nhiên được sử dụng để dự đoán bệnh trầm cảm. Ứng dụng MoodCapture sử dụng hệ thống công nghệ tương tự như công nghệ nhận dạng khuôn mặt với phần cứng AI và học sâu. Do đó, công nghệ này có tiềm năng to lớn để mở rộng quy mô mà không cần thêm bất kỳ đầu vào hay gây khó khăn cho người dùng. Một người chỉ cần mở khóa điện thoại và ứng dụng MoodCapture cho biết bạn có rơi vào trạng thái trầm cảm hay không và đề xuất tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu được cải tiến hơn nữa, MoodCapture có thể sẵn sàng được đưa vào sử dụng trong khoảng 5 năm tới.
https://www.vista.gov.vn/ (tnxmai)