Ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong kiểm soát chất lượng nước
Việc nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật mới trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước là rất quan trọng để góp phần giảm tác động từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam (VINALAB) vừa phối hợp cùng Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA), Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) tổ chức Hội thảo "Chất lượng nước – Những kỹ thuật mới nhất trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng" và khai trương khu trưng bày thiết bị, công nghệ VINALAB – JAIMA 2024.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN), Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam (VINALAB) cho biết, hội thảo nhằm trao đổi và đưa các tiến bộ KH&CN mới nhất trong bảo đảm và kiểm soát chất lượng nước đến với các nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà quản lý của Việt Nam và Nhật Bản, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Qua đó, tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong thử nghiệm, phân tích giám sát chất lượng nước và môi trường. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3).
Theo PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST), ô nhiễm nguồn nước, chất lượng nước là vấn đề rất được quan tâm hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và mọi hoạt động của người dân. Việc nghiên cứu các kỹ thuật mới trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước rất quan trọng.
Với mục tiêu "nghiên cứu dựa theo nhu cầu của thị trường", VKIST đang thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp dịch vụ kỹ thuật tiên tiến và nguồn nhân lực công nghệ, kỹ thuật trình độ cao cho các doanh nghiệp và các ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Hiện VKIST có 6 nhóm nghiên cứu về lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, cảm biến sinh học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường năng lượng và nghiên cứu chính sách về KH&CN. Trong đó, ở lĩnh vực năng lượng môi trường, VKIST đã có một số công nghệ xử lý nước thải, xử lý nước bị nhiễm phèn, phát triển hệ thống lọc nước…
TS. Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu hàng đầu từ Nhật Bản và Việt Nam, các công ty thành viên JAIMA và VINALAB đã trao đổi, thảo luận về các quy định chất lượng nước, xử lý nước, những giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong kiểm soát và đánh giá chất lượng nước... Điển hình như ứng dụng chemometrics (sử dụng các thuật toán toán học và thống kê) trong xử lý và khai phá dữ liệu phân tích nước; phân tích đặc điểm hóa chất vi nhựa trong các mẫu nước; một số kỹ thuật tiên tiến trong xử lý nước và nước thải…
Để làm rõ vai trò của chất lượng nước - Những kỹ thuật mới nhất trong kiểm soát và đánh giá chất lượng, nhóm diễn giả do ThS. Đỗ Phương Hiền, Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế cũng báo cáo về “Tình hình xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT và Thông tư 26/2021/TT-BYT”;
Cùng với giới thiệu chung về Thông tư 41/2018/TT-BYT và Thông tư 26/2021/TT-BYT, ThS. Đỗ Phương Hiền đã nêu lên tầm quan trọng của các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương liên quan đến quản lý chất lượng nước. "Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều gặp khó khăn trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương vì nhiều lý do: thiếu dữ liệu đầy đủ và thông tin liên quan về chất lượng nước sinh hoạt cũng như lựa chọn các thông số phù hợp; Mới có 34/63 tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương với số lượng thông số dao động từ 28-99 thông số dựa trên số liệu sẵn có, đặc điểm và năng lực của từng tỉnh", ThS. Đỗ Phương Hiền chia sẻ.
Báo cáo về đề tài “Nước thải chăn nuôi lợn, Thách thức hay Cơ hội”, PGS. TS Cao Thế Hà, Trung tâm Green Cycle JC và Trung tâm CETASD - Trường Đại học Việt-Nhật cho rằng: Chất thải chăn nuôi là vấn đề lớn/nóng, góp phần đáng kể phát thải khí nhà kính, tuy nhiên nó có tiềm năng lớn về năng lượng, thu hồi phân bón, môi trường nông thôn, đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để làm được điều đó, chiến lược phát triển chăn nuôi của Việt Nam phải theo hướng công nghiệp tập trung, hiện đại, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường là tiền đề cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới hướng tới phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các công nghệ “cũ” hay hiện đại nếu được kiểm soát tốt (đặc biệt là bùn thải) thì có thể giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng nói đến Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững thì cần phải có các công nghệ mới nhằm giải quyết triệt để mâu thuẫn này..
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu làm suy giảm các dòng chảy, nước dưới đất và sự xâm nhập mặn vào mùa khô, kết hợp tốc độ đô thị hóa phát triển, nước thải sinh hoạt và sản xuất đang gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các trạm cấp nước. Để giải quyết được chất lượng nguồn nước, trước tiên phải giải quyết vấn đề môi trường, bởi môi trường trong sạch thì đầu vào nguồn nước mới được đảm bảo.
KH&CN được coi như "chìa khóa" để bảo vệ môi trường, nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù chúng ta đã học tập được nhiều kỹ thuật tiên tiến nhưng việc triển khai phải có hệ thống, thiết thực hơn. Các doanh nghiệp cần đổi mới quy trình vận hành, áp dụng công nghệ mới để bảo đảm an toàn nước, cải thiện chất lượng nước sạch...