Lúng túng với mục tiêu nội địa hóa công nghệ
Trong nhiều chính sách đã ban hành, chúng ta xác định việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là con đường hướng tới làm chủ quy trình sản xuất, công nghệ cũng như tự phát triển sản phẩm bằng nội lực. Tuy nhiên, "quyết tâm trên giấy" và thực tế khác xa nhau, vì nhiều lý do.
Vướng víu nhiều điều
Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ
quá thấp là thực tế dễ thấy trong nhiều lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực
công nghệ cao. Điều này được thấy rõ qua sự đổ vỡ của Chương trình cơ khí trọng
điểm hay cảnh báo về sự phá sản của bản "Quy hoạch phát triển ngành công
nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020" được biết đến gần đây.
Chiến lược phát triển đặt ra
mục tiêu đến năm 2010 phải nội địa hóa được 40 - 50% sản phẩm cơ khí, trong đó
thiết bị đồng bộ khoảng 40%. Nhưng, đến nay, tỷ lệ này không đạt được. Thực tế
cho thấy trong mấy chục nhà máy thủy điện, chúng ta cũng chỉ làm được phần xây
dựng và cơ khí thủy công; về nhiệt điện chỉ nội địa hóa được 15-17% và thủy
điện chỉ nội địa hóa được khoảng 20%. Trong khi đó, "Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020" đặt mục tiêu
phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với hầu hết các chủng
loại sản phẩm ô tô và phấn đấu xuất khẩu ô tô và phụ tùng đạt mức 5-10% giá trị
tổng sản lượng của ngành. Song, với những gì đang diễn ra trong ngành công
nghiệp ô tô, mức nội địa hóa thường không quá 6%, trừ một số công ty có một vài
dòng sản phẩm có mức nội địa hóa 20 - 25%, chẳng hạn như Innova của hãng
Toyota.
Trong buổi làm việc mới đây
giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) và Tập đoàn Điện
lực Việt Nam về tình hình phát triển KHCN, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc Tập
đoàn điện lực (EVN) cho biết: Hiện nay, chúng ta hô hào nâng cao tỷ lệ nội địa
hóa nhưng trong thực tế, tiến trình thực hiện mục tiêu này đang vướng rất nhiều
vấn đề. Chẳng hạn như yêu cầu đạt tỷ lệ nội địa hóa chưa được lượng hóa cụ thể
là bao nhiêu phần trăm... Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN đang rất lúng túng khi
quyết định phê duyệt kinh phí cho nhiều đề tài KHCN trước yêu cầu bảo đảm thành
công. "Nghiên cứu khoa học mà đòi hỏi tỷ lệ thành công cao, không chấp
nhận rủi ro là phi hiện thực" - Ông Phạm Lê Thanh nói.
Mỗi nơi hiểu một kiểu
Hiện tại, cách tính tỷ lệ
nội địa hóa được hiểu mỗi nơi một kiểu. Doanh nghiệp thì muốn tính tỷ lệ nội
địa hóa theo phương pháp xác định giá trị, với quan điểm tất cả các giá trị gia
tăng được tạo ra trong nước, dù dưới dạng hàng hóa hay dịch vụ đều được coi là
nội địa hóa. Còn cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ KHCN lại cho rằng, tỷ lệ nội địa
hóa sẽ dựa trên phương pháp tính điểm. Theo đó, linh kiện được chia thành các
cụm, tiểu cụm để xác định điểm và chỉ dành một số điểm có giới hạn cho việc
sơn, hàn, lắp ráp nhằm mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng.
Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa xác định được mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cho chiến
lược nội địa hóa. Ví dụ như đối với ngành công nghiệp ô tô, cần phải xác định,
linh kiện, phụ tùng nào cần ưu tiên nghiên cứu sản xuất trước để phù hợp với
điều kiện, năng lực.
Ông Phạm Lê Thanh cho biết
thêm, không chỉ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà Nhà nước cần có quyết tâm chính
trị thì mới mong đưa tỷ lệ nội địa hóa vào quy trình sản xuất, đặc biệt là công
nghệ do người Việt Nam làm chủ. EVN đã xác định trọng tâm chính trong hoạt động
KHCN là trang bị và đổi mới trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật (nguồn điện,
hệ thống truyền tải điện, lưới điện phân phối, điều khiển, tự động hóa, sản
xuất thiết bị điện…) và trong kinh doanh (quản lý khách hàng, dịch vụ khách
hàng…). Các công nghệ được trang bị phải ở tầm tiên tiến của thế giới và khu
vực, ưu tiên công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường;
kết hợp với nhập khẩu công nghệ với tự phát triển sản xuất trong nước nhằm thay
thế nhập khẩu, giảm nhập siêu. Bên cạnh đó, EVN cũng xác định phải phát triển
nguồn nhân lực có chất lượng, có chiều sâu về chuyên gia kỹ thuật cao cấp, thợ
lành nghề và cán bộ quản lý các cấp, coi đây là nền tảng để tập đoàn phát triển
bền vững.
Ông Trương Hữu Chí - Viện
trưởng Viện máy và dụng cụ công nghiệp (IMI) cho biết, các dự án ưu đãi cơ khí
trọng điểm nếu như chỉ ưu đãi về vốn là chưa đủ. Ngoài ra, nếu không có những
chính sách hỗ trợ về chi phí chuyển giao công nghệ, chi phí đào tạo hay trích
2% doanh số bán ra cho nghiên cứu thì cũng không đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp
tham gia.
Rõ ràng, từ văn bản đến hành
động thực tế vẫn là câu chuyện dài, tiêu biểu là câu chuyện nội địa hóa các sản
phẩm công nghiệp hiện nay.