SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông: Khoảng trống pháp lý

[08/06/2012 09:39]

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào tổ chức, quản lý giao thông tại Thủ đô Hà Nội là nhu cầu tất yếu. Các yếu tố kỹ thuật có thể cho phép ứng dụng ngay, nhưng hành lang pháp lý thì vẫn còn là một khoảng trống. Đó là điều cần có sự chuẩn bị, nhất là khi Hà Nội đã có ý định đặt hàng các giải pháp mới này.

Tổ chức, quản lý giao thông tại Hà Nội đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Nhiều giải pháp mới đã được đưa vào ứng dụng. Nhưng xét về tổng thể, phương pháp tổ chức, quản lý giao thông chủ yếu vẫn mang tính thủ công. Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội được coi là bộ phận "giàu tính công nghệ" nhất tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý giao thông hằng ngày. Nhưng khả năng của trung tâm có hạn, vì chỉ quan sát được số ít nút giao thông, trong khi khả năng tương tác giữa bộ phận này với lực lượng CSGT, người tham gia giao thông hầu như chưa được thiết lập. 

Những nhân tố chính ảnh hưởng đến hiệu quả lưu thông như mạng lưới đèn tín hiệu giao thông hay hệ thống vận tải bằng xe buýt vẫn chưa được tối ưu hóa, nếu không muốn nói là hoạt động rời rạc, chưa phù hợp với thực tế. Ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở GTVT trong phát biểu mới đây cũng phải thừa nhận, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đang vận hành theo cách đi ngược lại với thế giới. Một số nhà chuyên môn khác thì cho rằng, nếu được tính toán khoa học, hệ thống xe buýt sẽ không có hiện tượng đi trùng tuyến, lấn tuyến gây ra ùn tắc như hiện nay. 

Ở nhiều nước trên thế giới, việc ứng dụng CNTT hay còn gọi là các giải pháp giao thông thông minh đã góp phần giảm ùn tắc đáng kể. Tại Thụy Điển, cách này giúp giảm được 20% các vụ ùn tắc giao thông. Hong Kong, Singapore và 6 TP lớn của Ấn Độ cũng đạt được những tiến bộ đáng kể nhờ các giải pháp thông minh. Tình hình giao thông Hà Nội cũng hứa hẹn sẽ được cải thiện đáng kể nếu được ứng dụng CNTT trong tổ chức, quản lý.

Sau những cuộc làm việc cụ thể với một số nhà cung cấp giải pháp CNTT trong tổ chức, quản lý giao thông, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT đặt hàng nghiên cứu cách thức phạt nguội các phương tiện giao thông phạm luật; phân luồng theo kênh thông tin điện tử; công nghệ thu phí linh hoạt xe vào trung tâm; công nghệ thu phí dừng xe để giải tỏa các nút giao thông; nghiên cứu giải pháp công nghệ quản lý tối ưu hóa vận hành hệ thống xe buýt. Có thể tưởng tượng, nếu tất cả các giải pháp này được triển khai, thực hiện hiệu quả, giao thông Hà Nội sẽ bước sang một trang mới. Một cán bộ ngành GTVT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đều biết các vấn đề giao thông của Hà Nội. Nhưng biết mà chưa thể giải quyết được vì thiếu các giải pháp thông minh. Nay có các giải pháp này thì không khác gì như "cá gặp nước". Trước hết là nhờ có phạt nguội, người tham gia giao thông sẽ không dám phạm luật ngay cả khi không thấy bóng CSGT. Sự tự giác, ý thức, văn hóa giao thông sẽ hình thành từ đó. 

Tuy nhiên, để ứng dụng được các giải pháp thông minh nói trên, TP cần có sự chuẩn bị về hành lang pháp lý. Chẳng hạn để triển khai phạt nguội, mỗi phương tiện giao thông phải được mã hóa. Việc thu tiền phạt có thể được thực hiện tại các bãi trông giữ xe hoặc tự động trừ tài khoản ngân hàng. Để xâu chuỗi các đầu mối lại với nhau, cần phải có các quy định cụ thể mang tính quy phạm như các phương tiện phải thực hiện mã hóa ra sao, nếu không trả tiền phạt đúng thời hạn sẽ phải "gánh hậu quả" gì. Ở các nước, việc thu tiền phạt nguội còn được giao cho các doanh nghiệp. Nếu cách này được ứng dụng ở Hà Nội, cũng đòi hỏi có hành lang pháp lý cho những doanh nghiệp như vậy.

Để hạn chế các phương tiện cá nhân lưu thông ở khu vực trung tâm, nhiều nước áp dụng tính phí tự động. Nghĩa là phương tiện giao thông được gắn chíp điện tử, khi đi qua cửa giám sát để vào trung tâm sẽ được nhận dạng để tính phí. Nếu Hà Nội muốn áp dụng cách thức này, những quy định về loại phí mới phải được chuẩn bị sớm, vì quy trình để biến ý tưởng thành hiện thực của một loại phí là cực kỳ phức tạp. Chỉ riêng việc quyết định có thu phí này hay không cũng phải do HĐND cấp TP quyết định. Trước đó là hàng loạt các quy trình xin ý kiến phức tạp khác. TP cũng không thể sử dụng phương pháp thu phí trao tay hiện nay, vì sẽ khiến giao thông thêm ùn tắc. Nên việc ứng dụng phương pháp thu phí thông minh là tối ưu. Muốn vậy, cần có sự chuẩn bị sớm về cơ sở pháp lý. 

Theo các chuyên gia, Hà Nội có thể xây dựng một trung tâm điều hành sử dụng công nghệ điện toán đám mây tích hợp tất cả các ứng dụng CNTT trong giao thông đô thị. Toàn bộ hệ thống giao thông đô thị của TP khi đó sẽ thống nhất một đầu mối và tương thích, hòa hợp từ tổ chức, quản lý đến vận hành trên cơ sở tối ưu hóa những hạ tầng giao thông và đạt hiệu quả lưu thông cao nhất. Đó là tương lai. Giờ đây Hà Nội mới bắt tay vào những ứng dụng ban đầu. Do đó sự chuẩn hóa cần phải đi trước một bước, nhất là về hành lang pháp lý.

Hanoimoi (htthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ