SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chủ động nắm giữ thị trường công nghệ thông tin

[12/06/2012 16:28]

Muốn ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) phát triển bứt phá trong thời gian tới, cần xác định rõ trọng tâm trọng điểm đầu tư, tạo thị trường cho doanh nghiệp và đặc biệt là sự chủ động nắm bắt thị trường của các doanh nghiệp (DN) trong nước để tránh rơi vào tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”…

Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm góp ý “Chương trình quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020” mới đây tại Hà Nội.

Để triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020. Dự thảo chương trình đã xác định sáu trụ cột chính để phát triển công nghiệp CNTT, gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách; phát triển nguồn nhân lực CNTT; phát triển doanh nghiệp CNTT, phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT của Việt Nam; thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường; phát triển khu CNTT tập trung và ứng dụng phần mềm nguồn mở. Tổng ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ thực hiện Chương trình đến năm 2020 là 2.337 tỉ đồng.

 Trong đó, đáng lưu ý nhất về môi trường chính sách, thời gian tới sẽ nghiên cứu, bổ sung các dự án đầu tư sản xuất phần mềm, nội dung số, phần cứng - điện tử, và dịch vụ CNTT vào danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư; nghiên cứu, sửa đổi các chính sách thuế; thành lập các Quỹ Phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam. Về Phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ thi lấy chứng chỉ quốc tế về CNTT; hỗ trợ tổ chức các hoạt động thực tập sinh tại các tổ chức, doanh nghiệp. Về Phát triển doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng và áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn ISO 27001, ISO 20000, CMMi; hỗ trợ doanh nghiệp CNTT Việt Nam mua thương hiệu có uy tín của nước ngoài…

 Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký VINASA, với CNTT, không nên hoạch định quá 5 năm vì CNTT có nhiều biến động, thậm chí có những biến động vô cùng lớn. Chủ tịch Hội Tin học TP.Hồ Chí Minh, ông Chu Tiến Dũng, cũng cho rằng chương trình như vậy quá dài, nên xây dựng dưới dạng chương trình khung và cứ 2 hoặc 3 năm lại rà soát lại 1 lần để xem cái gì nên/không nên tập trung nữa. Bên cạnh đó, cần xác định rõ mối quan hệ Chính phủ và Doanh nghiệp - Hiệp hội trong việc thực hiện các mục tiêu, Nhà nước phải đóng vai trò là khách hàng lớn và là người dẫn dắt, định hướng thị trường cho các doanh nghiệp phát triển. Nhà nước chỉ đứng ra làm những công việc mà doanh nghiệp ngại làm vì lợi nhuận thấp hoặc không thể làm được…

Cũng tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng trong phát triển CNTT, quan trọng nhất là chiếm giữ thị trường. Mặc dù thị trường CNTT Việt Nam tuy còn nhỏ nhưng sự xâm nhập của các công ty, hãng tên tuổi của thế giới lại đang rất lớn, các DN trong nước đã không làm chủ và chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Danh mục sản phẩm còn nghèo nàn và chưa kể, nếu chỉ loanh quanh thị trường trong nước thì DN Việt Nam, khu CNTT Việt Nam không thể lớn lên được. Không tạo ra những DN lớn sẽ không mong có được con số vài chục tỷ USD gia công như Ấn Độ, Trung Quốc.

Ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm CNTT, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) lý giải, nguyên nhân không hẳn do DN Việt không giỏi. Đã có đơn vị làm được sản phẩm cho cả ngành ngân hàng, điển hình như Công ty FPT làm ra hệ thống SmartBank (một hệ thống core banking được đánh giá chất lượng tốt) bán được cho ngân hàng trong nước và nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan. Nhưng sau một thời gian, FPT đã bỏ việc duy trì, phát triển sản phẩm này, kéo theo câu chuyện các đơn vị mua sản phẩm phải chuyển sang hệ thống khác vì không có sự hỗ trợ phát triển tiếp sản phẩm đã mua.

Thực tế là năng lực của DN Việt vẫn chưa tiệm cận được với yêu cầu của thị trường, hầu hết doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư đủ nguồn lực tài chính, nhân lực cho các dự án lớn. “Trong lĩnh vực ngân hàng, nhu cầu ứng dụng còn rất nhiều. Các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu rất cần những hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM)…, các DN trong nước nên nắm bắt nhu cầu này”, ông Phổ nhấn mạnh.

Theo ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty MISA cho rằng, nên tiếp tục nâng cao năng lực cho các DN bằng các chương trình hỗ trợ như: hỗ trợ làm ISO, CMMi; hỗ trợ đào tạo kỹ năng sản xuất kinh doanh cho DN nhỏ, DN khởi nghiệp và có chương trình thúc đẩy sản phẩm của các DN khởi nghiệp để họ đi nhanh hơn. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, nhất là trong vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ