Công nghệ tái chế trong cuộc cách mạng ngành công nghiệp nhựa toàn cầu
Với mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp nhựa, vật liệu nhựa tại hầu khắp các quốc gia đang được quản lý một cách có trách nhiệm trong quá trình sản xuất, sử dụng và tái sử dụng.
Với mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp nhựa, vật liệu nhựa tại hầu khắp các quốc gia đang được quản lý một cách có trách nhiệm trong quá trình sản xuất, sử dụng và tái sử dụng.
Vai trò của công nghệ trong tái chế nhựa
Báo cáo Triển vọng Nhựa Toàn cầu: Kịch bản Chính sách đến năm 2060 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, sản lượng nhựa toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050 và tăng gấp ba vào năm 2060 (ước đạt 1,2 tỷ tấn). Lượng khí thải nhựa từ sản xuất và thải bỏ dự đoán tăng gấp đôi vào năm 2060.
Mối lo ngại về môi trường ngày càng tăng liên quan đến sự tích tụ chất thải nhựa trong môi trường tự nhiên đã dẫn đến nhu cầu xây dựng chiến lược quản lý và tái chế các sản phẩm từ nhựa. Tái chế nhựa được xem là giải pháp dài hạn giúp giải quyết cả lượng khí thải liên quan đến sản xuất và xử lý bằng cách tái tuần hoàn nhựa, giảm nhu cầu sản xuất nhựa nguyên chất và các phương pháp xử lý gây ô nhiễm.
Hướng tới cam kết toàn cầu là chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040, việc ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải nhựa là vô cùng cần thiết. Một số tổ chức lớn trên thế giới được thành lập để đáp ứng nhu cầu thúc đẩy việc sử dụng nhựa bền vững. Đơn cử, Plastics Europe, một trong những hiệp hội thương mại nhựa hàng đầu thế giới với các trung tâm trải dài trên hầu khắp các thành phố lớn ở châu Âu, bao gồm: Brussels, Frankfurt, London, Madrid, Milan và Paris.
Ông Marco ten Bruggencate, Chủ tịch Plastics Europe cho rằng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế nhựa tuần hoàn và bền vững đòi hỏi sự tập trung, hợp tác và đầu tư dài hạn, quy mô lớn vào các hệ thống và công nghệ. Trong đó, tái chế chất thải nhựa là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với giảm thiểu vấn đề biến đổi khí hậu và giải quyết thách thức lâu dài liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa.
Một số phương thức tái chế nhựa phổ biến
Theo ông Richard Daley, Giám đốc công nghệ tại Mura Technology, nếu trước đây, các loại nhựa khó tái chế sẽ được đưa đến bãi chôn lấp, đốt hoặc bị rò rỉ ra môi trường, thì ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cho phép các doanh nghiệp tiếp cận đa dạng phương thức tái chế nhựa, bao gồm tái chế cơ học, tái chế hữu cơ, tái chế hóa học và tái chế hòa tan.
Đa phần các doanh nghiệp tái chế nhựa thường áp dụng phương pháp tái chế cơ học. Đây là quá trình xử lý chất thải nhựa thành nguyên liệu thô hoặc sản phẩm thứ cấp mà không làm thay đổi đáng kể cấu trúc hóa học của vật liệu. Về nguyên tắc, tất cả các loại nhựa nhiệt dẻo đều có thể được tái chế cơ học mà ít hoặc không ảnh hưởng đến chất lượng.
Bà Virginia Janssens, Giám đốc điều hành Plastics Europe cho biết, tái chế cơ học là hình thức công nghệ tái chế nhựa phổ biến nhất và chiếm phần lớn hoạt động ở châu Âu.
Bên cạnh tái chế cơ học truyền thống, tái chế hóa học là phương pháp tái chế ngày càng phát triển và mang lại cơ hội lớn hơn cho khả năng mở rộng. Đây là quá trình xử lý dựa trên các công nghệ phổ biến như: nhiệt phân, khí hóa, hydrocracking, khử polyme…, làm thay đổi cấu trúc hóa học của chất thải nhựa.
Tái chế hữu cơ là quá trình xử lý vi sinh có kiểm soát đối với chất thải nhựa có khả năng phân hủy sinh học trong điều kiện hiếu khí (ủ phân) hoặc điều kiện kỵ khí (khí sinh học). Nó áp dụng cho các polyme cụ thể có thể chuyển đổi thành dư lượng hữu cơ ổn định, gồm carbon dioxide, metan và nước dưới tác động của vi sinh vật.
Một phương thức khác là tái chế hòa tan, là quá trình tinh chế, trong đó polyme có trong chất thải nhựa hỗn hợp được hòa tan có chọn lọc trong dung môi, cho phép tách khỏi chất thải và thu hồi ở dạng tinh khiết mà không làm thay đổi bản chất hóa học. Thực tế, doanh nghiệp áp dụng công nghệ cho các loại polyme khác nhau để tách chúng khỏi chất thải đa nguyên liệu hỗn hợp, như polyvinyl clorua (PVC), polystyrene (PS), nylon (PA) hoặc polypropylen (PP).