Công nghệ 5.5G - bước tiến mở ra kỷ nguyên mới trong thế giới kỹ thuật số
Công nghệ 5.5G đánh dấu bước tiến mới, nâng cao tốc độ, độ tin cậy và mở rộng tiềm năng cho trí tuệ nhân tạo, thiết bị thông minh, cùng Internet vạn vật, thúc đẩy tăng trưởng kỹ thuật số trong thế giới hiện đại.
Sự tiện lợi khi làm việc từ xa và quản lý công việc thông qua điện thoại thông minh đã trở thành điều hiển nhiên. Nhưng quay về những năm 2000, việc sử dụng thiết bị cầm tay để truy cập web, gửi email hay đăng bài trên mạng xã hội qua mạng di động 3G đã là bước đột phá lớn.
Khi 4G xuất hiện, tốc độ Internet nhanh hơn tới 10 lần so với 3G, tạo điều kiện cho video độ nét cao và chơi game trực tuyến phát triển vượt bậc. Không dừng lại ở đó, 4G còn chứng kiến sự ra đời của Internet vạn vật (IoT), kết nối các thiết bị điện toán trong những vật dụng hàng ngày, giúp con người điều khiển máy móc từ xa và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng.
Bước ngoặt tiếp theo - mạng 5G, không chỉ tăng cường tốc độ và độ tin cậy mà còn mở ra kỷ nguyên của thành phố thông minh và xe tự hành, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ và chăm sóc sức khỏe. 5G (Thế hệ mạng di động thứ 5 hoặc hệ thống không dây thứ 5) là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38, và 60 GHz. Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn.
Tốc độ nhanh hơn, quy mô kết nối lớn hơn và giảm đáng kể độ trễ là một trong những cải tiến mà công nghệ mạng di động 5.5G mang lại trong năm nay. (Ảnh: Internet).
Thông tin từ ông Phạm Lê Chung - Giám đốc Phần mềm & Dịch vụ Đám mây của Ericsson cho biết, 5G đã phủ sóng 55% dân số thế giới và đang chiếm 34% lưu lượng di động toàn cầu, mở ra rất nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Chung khẳng định rằng mạng 5G không chỉ là bản nâng cấp thông thường mà là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực viễn thông. Các ứng dụng như IoT (Internet of Things) sẽ trở nên phổ biến hơn, giúp kết nối hàng triệu thiết bị thông minh và tạo ra một hệ sinh thái kết nối đa dạng. Dữ liệu an toàn cho nền tảng quản lý IoT là dữ liệu tin cậy, bảo mật thông tin, dễ dàng cấu hình và tương thích.
Theo đại diện Ericsson, việc sử dụng 5G sẽ đem lại hiệu quả cho các nhà máy thông minh, nơi mà việc giám sát và quản lý quy trình sản xuất có thể được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Bà Võ Thị Trung Chinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.Hồ Chí Minh cho biết, với việc triển khai mạng 5G siêu tốc và độ trễ thấp, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% hộ dân sử dụng Internet băng rộng. “Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số và cung cấp giải pháp CNTT trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và giáo dục”, bà Võ Thị Trung Chinh nhấn mạnh và bày tỏ kỳ vọng, nền tảng kết nối 5G sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội mới, giúp mỗi người dân cảm nhận được giá trị thiết thực mà công nghệ đem lại.
“Chúng tôi hy vọng, từ đây sẽ có những mối quan hệ đối tác chiến lược được hình thành, những ý tưởng táo bạo được khởi xướng, để đưa công nghệ 5G thực sự trở thành động lực thay đổi cuộc sống”, ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel nói.
Nhằm thúc đẩy tiến bộ của GenAI, mạng 5.5G cũng đã chính thức ra mắt, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành viễn thông. Với thông lượng cao hơn đáng kể, độ trễ thấp hơn và độ tin cậy vượt trội so với 5G, 5.5G không chỉ tăng cường khả năng kết nối mà còn thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật số toàn cầu.
Đây là nền tảng để hiện thực hóa Internet vạn vật mở rộng (IoE), nơi không chỉ các thiết bị mà con người, quy trình và dữ liệu đều được kết nối liền mạch. Một trong những lĩnh vực được hưởng lợi rõ ràng nhất từ mạng 5.5G là trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI). Được giới thiệu vào cuối năm 2022, GenAI có khả năng tạo ra nội dung mới từ văn bản, hình ảnh đến âm nhạc dựa trên tập dữ liệu khổng lồ.
Trong tương lai gần, Apollo Go có thể dựa vào mạng 5.5G để truyền dữ liệu thời gian thực cũng như tích hợp công nghệ AI mới nhất để nâng cao khả năng nhận thức, định vị, ra quyết định và điều khiển. Những tiến bộ này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành vận tải mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như logistics, nơi thiết bị đeo và công nghệ nhận diện có thể tối ưu hóa quy trình quản lý hàng tồn kho và giảm sai sót.
Ngoài ra, thiết bị đeo được hỗ trợ bởi 5.5G đang phát triển vượt ra ngoài ứng dụng thể dục thông thường. Chúng cho phép nhà cung cấp dịch vụ y tế theo dõi tình trạng bệnh nhân và can thiệp kịp thời. Thậm chí, kính thông minh AI mới có thể đọc khẩu hình miệng với độ chính xác hơn 95% trong môi trường ồn ào, mở ra khả năng giao tiếp mới.