SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đà Nẵng: Mặt cầu hỏng do công nghệ … quá hiện đại

[27/07/2012 08:29]

Sau hơn 3 năm trong tình trạng bị “chắp vá trăm mảnh”, mặt cây cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) chính thức được đơn vị thi công bóc bỏ và tiến hành thay thế bằng lớp phủ mới.

Ngày 19.7.2009, Cầu Thuận Phước được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu được coi là hiện đại nhất cả về thiết kế và công nghệ lúc bấy giờ với chiều dài 1.855m, rộng 18m, là cầu dây võng dài nhất ở Việt Nam. 

Công nghệ quá mới nên không phù hợp

Tổng thể cầu Thuận Phước gồm 2 phần: Phần cầu bê-tông dự ứng lực dài 1.200m, gồm 24 nhịp, dầm hộp bê tông cốt thép dài 50m, được thi công bằng công nghệ đổ bê-tông tại chỗ trên giàn giáo cố định; phần cầu treo dây võng dài 655m, với kết cấu sơ đồ nhịp 125+405+125m. 

Đơn vị thi công đã lựa chọn vật liệu nhựa đường Epoxy làm lớp dính bám/chống thấm và bê-tông nhựa (BTN) Epoxy để phủ lên mặt cầu Thuận Phước. Trước khi thảm BTN Epoxy, mặt cầu được phun một lớp dính bám Epoxy Asphalt loại Id trên bản mặt cầu thép đã được sơn kẽm bảo vệ trước đó. Theo đơn vị thi công, Epoxy Asphalt Id là một phiên bản có độ sệt lớn hơn nhựa đường Epoxy Asphalt, sau khi phân tích sẽ tạo thành một màng Pôlime cứng hơn so với nhựa đường Epoxy làm chất kết dính. Lớp sơn kẽm, lớp dính bám Epoxy Asphalt loại Id và lớp BTN Epoxy Asphalt được đầm chặt có độ rỗng dưới 3% tạo thành một hệ thống bảo vệ chống rỉ rất hiệu quả cho bản mặt cầu thép.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cây cầu dây võng hiện đại nhất Việt Nam này đã xuất hiện chi chít các vết nứt trên bản mặt nhịp giữa cây cầu. Hàng chục vết nứt lớn nhỏ, loang lổ, ngang dọc mặt cầu tạo nên những làn nhựa gồ ghề trông chẳng khác nào những con đường bên tong được xây dựng từ thời Pháp thuộc.Trước tình trạng trên, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC, nhà thầu và cũng là đơn vị thi công đã dùng đủ cách để trét, đắp, lấp nhưng vẫn không chèn lấp hết các vết nứt lộ rõ trên mặt cây cầu. Có vị trí vết nứt được chèn bê tông nhựa, có đoạn được đắp phủ bằng nhựa đường, có đoạn lại sử dụng cả mạt phủ lên... gây ảnh hưởng không ít cho các phương tiện đi qua. Những ngày nắng nóng vừa qua, vết nứt trên lớp phủ mặt cầu xuất hiện nhiều hơn và gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. 

Ông Mai Triệu Quang, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC, đơn vị tư vấn và thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước thừa nhận: Công nghệ Epoxy đã được dùng nhiều ở các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… Mặc dù là công nghệ mới nhưng không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam nên mặt cầu đã bị hỏng.

“Thay áo” cho cầu Thuận Phước

Trước sự xuống cấp trầm trọng của mặt cầu, hiện Công ty ECC đang tiến hành đại tu đối với toàn bộ lớp phủ mới. Giải pháp xử lý mà ECC đưa ra là bóc bỏ và làm lại toàn bộ 2 vệt bánh xe giữa nhịp dầm chính và thay đổi công nghệ bằng cách phủ lên mặt cầu lớp phủ mới bằng bê tông nhựa Polyme PMP3 dày 7cm với thành phần cấp phối bột khoáng thay bằng xi măng, gia tăng gấp đôi chất kết dính PMP và lớp kết dính bản mặt thép bằng epoxy hai thành phần và đá dăm bề mặt… với chi phí khoảng 1,5-2 tỷ đồng.

Ông Mai Triệu Quang khẳng định: “Đây là hoạt động sửa chữa lớn đối với cây cầu này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ mới triển khai sửa chữa thử nghiệm trong phạm vi 100m để theo dõi để tránh những sự cố đáng tiếc như trước đây. Sau 6 tháng theo dõi, thử nghiệm, chúng tôi sẽ triển khai tiến hành triển khai cho toàn bộ 2 vệt bánh xe ở nhịp dầm chính. Sau khi xử lý bằng công nghệ này lớp mặt cầu sẽ được ECC bảo hành trên 10 năm”.

Cũng theo ông Quang, để tăng tuổi thọ cho mặt cầu, Sở GTVT TP.Đà Nẵng nên tiến hành làm các lỗ thông hơi cho dầm chính nhằm hạn chế tình trạng ủ và gia nhiệt đối với dầm chính. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải lắp đặt hệ thống camera ghi hình để xử phạt các trường hợp xe tải qua cầu góp phần làm hư hỏng lớp phủ mặt cầu.

Báo Đất Việt (htthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ