Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ “Công nghệ tái chế chất thải điện tử: Hiện trạng và xu hướng"
“Công nghệ tái chế chất thải điện tử: Hiện trạng và xu hướng" là chủ đề buổi báo cáo phân tích xu hướng công nghệ do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM - CESTI tổ chức vào ngày 26/07/2012, do các chuyên gia đến từ Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường (VITTEP) và chuyên viên CESTI trình bày.
Chất thải điện tử được định nghĩa là "các sản phẩm
điện - điện tử dân dụng và công nghiệp không đáp ứng được mục đích sử dụng
thiết kế, hoặc đã đến điểm cuối của vòng đời sử dụng" (UNEP 2009). Là một
trong những nguyên nhân làm gia tăng các vấn đề về môi trường hiện nay, nhưng
loại rác thải này cũng được ví như "núi vàng" nếu được xử lý và khai
thác đúng cách. Mục tiêu của chương trình là cập nhật cho các nhà nghiên cứu,
quản lý, doanh nghiệp về tình hình xử lý, xu hướng nghiên cứu, các sáng chế và
chính sách hiện hành trong lĩnh vực tái chế chất thải điện tử.
Tại buổi báo cáo, TS. Trần Minh Chí - Viện trưởng
VITTEP đã giới thiệu tổng quan tình hình quản lý và xử lý chất thải điện tử tại
một số quốc gia công nghiệp phát triển, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và
Việt Nam. Tại châu Âu, việc quản lý chất thải điện tử rất chặt chẽ: có chính
sách rõ ràng, dễ thực hiện; công cụ kiểm soát hiệu quả; nhận thức cộng đồng
cao; trách nhiệm được phân chia rõ ràng cho cả chính quyền, cộng đồng và nhà
sản xuất. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức độ phát triển có sự khác
nhau rõ nét giữa nhóm quốc gia Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... với
nhóm quốc gia thứ hai gồm: Trung Quốc, Philippine, Campuchia, Lào, Việt Nam.
Trong nhóm hai này, Trung Quốc vượt xa các quốc gia còn lại về công tác quản lý
chất thải điện tử.
TS. Trần Minh Chí - Viện trưởng Viện Kỹ thuật
nhiệt đới và Bảo vệ môi trường đang trình bày tại buổi báo cáo.
Xu hướng nghiên cứu về chất thải điện tử từ năm 1977 -
2011 được CN. Phạm Thị Minh Phương - chuyên viên CESTI trình bày cho thấy, các
sáng chế (SC) về "thu hồi kim loại" được quan tâm nhiều nhất. Tuy Nhật
Bản là quốc gia đầu tiên có SC trong lĩnh vực này, nhưng Trung Quốc mới là nước
dẫn đầu số lượng đăng ký SC hiện nay.
Phần cuối chương trình, ThS. Nguyễn Văn Sơn (VITTEP) đã
khái quát một số đề xuất chính sách ưu tiên đối với chất thải điện - điện tử
tại TP.HCM. Theo đó, "Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định
về thu hồi, xử lý một số sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ" do Bộ Tài
nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang chờ Thủ tướng chính phủ phê duyệt
trong năm 2013. Nội dung Dự thảo tập trung vào 2 nhóm sản phẩm: pin, ắc quy; và
thiết bị điện, điện tử.
Ban tổ chức mong muốn,
chương trình có thể mang các nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải điện tử
đến gần hơn với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cũng như định hướng nghiên
cứu sau này qua phản hồi của đại biểu tham dự.