Từng bước loại bỏ chất PCB độc hại
Kết quả kiểm tra sơ bộ trên toàn quốc năm 2011, ở Việt Nam còn tồn đọng hơn 9.600 tấn hợp chất PCB nằm trong 9.000 máy biến thế và tụ điện. Đây là hỗn hợp gồm 209 loại hóa chất bền vững, có độc tính cao và gây hại cho môi trường.
Nếu tiếp xúc với chất PCB
trong thời gian dài và thường xuyên, người tiếp xúc dễ bị tổn thương gan, ung
thư, các vấn đề về sinh sản, dị tật bẩm sinh và suy yếu hệ miễn dịch.
Việt Nam không sản xuất PCB
nhưng lại nhập khẩu khá nhiều thiết bị và dầu có chứa PCB như: dầu biến thế,
dầu cách điện, dầu công nghiệp. Mặc dù hiện nay, không còn nhập khẩu dầu hay
thiết bị chứa PCB, nhưng việc nhận biết, xác định quản lý và tiêu hủy an toàn
thiết bị chứa PCB đang sử dụng hoặc đã thải bỏ là vấn đề đặt ra đối với Việt
Nam.
Để góp phần bảo vệ môi
trường và sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ do PCB gây ra, tiến tới mục tiêu đến
năm 2018, Việt Nam sẽ loại bỏ hoàn toàn hợp chất này, Bộ Tài nguyên và Môi
trường phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự
án “Xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam để quản lý PCB và lưu trữ an toàn
một lượng lớn PCB tại các tỉnh trình diễn nhằm tiêu hủy trong tương lai”. Dự án
sẽ hỗ trợ Việt Nam thiết lập một hệ thống quản lý an toàn PCB nhằm giảm thiểu
các rủi ro tiềm tàng đối với sức khỏe và môi trường do dầu và thiết bị chứa PCB
gây nên.
Công tác quản lý PCB sẽ lựa
chọn 15 mô hình thí điểm được thực hiện tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội,
Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa -
Vũng Tàu, Cần Thơ và Lâm Đồng. Trước mắt, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại - đơn
vị hiện có 20 biến thế được nhập khẩu từ Liên Xô cũ từ những năm 80 của thế kỷ
trước - được lựa chọn trình diễn đầu tiên.