Hướng dẫn tiêu chí và quy trình xác định công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao
Ngày 02 tháng 10 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư Hướng dẫn tiêu chí và quy trình xác định công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao.
Theo đó, Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao gồm các tiêu chí sau:
Tiêu chí xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển
giao:
- Đối với công nghệ
chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam: Công
nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo
quy định của Luật Công nghệ cao; Công nghệ tiên tiến đáp ứng được một trong các
yêu cầu tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, có tính cạnh tranh cao so với
công nghệ cùng loại hiện có; tạo ra ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến,
nuôi trồng sản phẩm mới chưa có ở Việt Nam; tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu
so với công nghệ cùng loại hiện có; sản xuất hoặc sử dụng năng lượng mới, năng
lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng hiệu suất cao; sản xuất sạch, thân thiện môi
trường, có hiệu quả kinh tế cao; tạo ra máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ
khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, phục vụ công tác dân số hoặc phòng
chống dịch bệnh; phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, trợ giúp an
toàn lao động, cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ môi trường; ứng dụng phát triển và hiện đại hóa ngành, nghề nông, lâm, ngư nghiệp và
thủ công truyền thống.
- Đối với công nghệ chuyển giao từ Việt
Nam ra nước ngoài: Công nghệ sản xuất có sử dụng nguyên liệu là các sản phẩm,
bán sản phẩm, vật tư được sản xuất trong nước và đang được nhà nước khuyến
khích sản xuất và xuất khẩu.
Tiêu chí xác
định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:
- Đối với công
nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam:
công nghệ sử dụng máy móc, thiết bị cũ hoặc công nghệ tạo ra sản phẩm thế hệ
cũ, không tiết kiệm năng lượng; công nghệ tạo ra sản phẩm có sử dụng hóa chất
độc hại hoặc phát sinh chất thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi
trường cần hệ thống xử lý đi kèm; công nghệ tạo sản phẩm bằng phương pháp biến
đổi gen; công nghệ sử dụng chất phóng xạ, tạo ra các chất phóng xạ; công nghệ
tạo các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người: mỹ phẩm, dược phẩm, thực
phẩm chức năng, đồ uống; công nghệ sử dụng tài nguyên trong nước đang cần hạn
chế khai thác hoặc chưa được quy hoạch sử dụng; công nghệ tạo ra sản phẩm có
ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán, đạo đức, văn hóa dân tộc;
công nghệ tạo ra sản phẩm phục vụ cho quốc phòng hoặc đồng thời sử dụng cho mục
tiêu quốc phòng và dân dụng; các công nghệ sản xuất, dịch vụ đặc thù khác cần
sự quản lý đặc biệt của nhà nước và công nghệ cần hạn chế theo quy định của
Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đối với công nghệ
chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài: công nghệ tạo ra các sản phẩm truyền
thống có tính bản sắc dân tộc cao; công nghệ sản xuất theo kinh nghiệm, bí
quyết truyền thống hoặc có sử dụng các chủng loại giống, khoáng chất, vật liệu
quý hiếm đặc trưng của Việt Nam; công nghệ nuôi trồng, chế biến trong lĩnh vực
nông, lâm, ngư nghiệp có sản phẩm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc trưng của
Việt Nam.
Tiêu chí xác
định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao gồm:
Công nghệ không bảo
đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; công nghệ tạo ra chất thải nguy hại đối
với con người, hệ sinh thái động thực vật và môi trường; công nghệ gây lãng phí tài
nguyên; khai thác khoáng sản có các chỉ tiêu thu hồi thấp so với chỉ tiêu của
các nước trên thế giới; công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp,
tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu; công nghệ có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật
của quá trình sản xuất kém hơn hẳn các công nghệ đã có trong nước; công nghệ sản xuất, sử dụng chất phóng xạ mà chưa có đầy đủ
bằng chứng chứng minh đã kiểm soát được mức độ nguy hiểm của chất phóng xạ theo
quy định; công nghệ tạo ra sản phẩm gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng,
an ninh, trật tự, an toàn xã hội, văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam; công nghệ thuộc Danh mục bí mật nhà nước, trừ trường hợp
pháp luật có quy định khác; công nghệ cấm
chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Định kỳ hằng năm,
các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ trên cơ sở các tiêu chí quy
định của Thông tư này, trong phạm vi lĩnh vực quản lý của mình, thực hiện rà
soát, xác định công nghệ cần sửa đổi, bổ sung vào Danh mục công nghệ khuyến
khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Danh mục công nghệ
cấm chuyển giao.
Thông tư này có
hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.