Cơ hội bứt phá cho sản phẩm công nghệ thông tin thương hiệu Việt
Chú trọng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) nhiều hơn, tăng trưởng của thị trường nội địa liên tục tăng lên qua các năm, đồng thời cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng đi vào thực tiễn đời sống và ý thức của người tiêu dùng trong nước về hàng nội địa cũng ngày càng được nâng cao…
Đây chính là những cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt và có
những kế hoạch bứt phá, trong đó, sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT)
là một điển hình.
Ông Phạm Duy Yên - Vụ Công nghệ thông tin - Bộ
Thông tin Truyền thông cho biết, thị trường CNTT trong nước đang phát triển
mạnh. Tổng chỉ tiêu cho CNTT năm 2011 ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng 20% so với
năm 2010. Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam cũng như Nghị quyết 11/NQ-CP, chi tiêu cho CNTT trong khối cơ
quan nhà nước đang có xu hướng dịch chuyển sang sử dụng sản phẩm và dịch vụ
CNTT Việt Nam. Đây là tín hiệu khả quan đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam
trong phát triển và chiếm lĩnh thị trường nội địa, tạo nền tảng vững chắc hướng
đến xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu và trí tuệ Việt. Đồng thời, ông Yên
cũng cho biết thêm, thời gian chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực CNTT ngắn
hơn so với các lĩnh vực khác như cơ khí,… nên việc bắt kịp với xu hướng và phát
triển phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thế giới sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài ra, nhiều DN cho rằng, các nhà phát triển
phần mềm trong nước có lợi thế là sự am hiểu đối với môi trường, chính sách
Việt Nam. Trong khi đó, có nhiều phần mềm nổi tiếng trên thế giới nhưng khi
triển khai tại Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn, không phát huy được hết
hiệu quả của các tiện ích mà phần mềm xây dựng bởi không phù hợp với chính sách
và đặc thù quản lý của doanh nghiệp tại Việt Nam. Do đó, DN CNTT Việt Nam nếu
biết tận dụng lợi thế này thì cơ hội phát triển và chiếm lĩnh thị trường nội
địa giàu tiềm năng là hoàn toàn có thể.
Đơn cử, thị trường smartphone, theo nghiên
cứu của Ericsson ConsumerLab công bố vào tháng 10, trong vòng 6 tháng tới, tỷ
lệ người dùng smartphone tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 21% so với 16%
hiện nay.Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Giám đốc VTC Mobile nhận định, thị
trường smartphone Việt Nam sẽ thực sự bùng nổ vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013
do giá được đẩy xuống thấp, chỉ khoảng 75 USD/chiếc. Trong bối cảnh đó, với sự
đầu tư kỹ lưỡng, Viettel chính thức bán smartphone giá rẻ hoàn toàn mang thương
hiệu Viettel của Việt Nam với mức giá 1,5 triệu đồng và bước đầu nhận được
sự hưởng ứng từ phía người tiêu dùng trong nước. Đây là một điển hình thành
công của thương hiệu CNTT Việt Nam.
Trên lĩnh vực phần cứng, ông Lâm Nguyễn Hải Long
- Phó giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung cho biết, sản phẩm và dịch
vụ CNTT thương hiệu Việt rất nhiều, rất đa dạng. Đối với lĩnh vực phần mềm ứng
dụng cho DN, đặc biệt là giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), do
tình hình kinh tế khó khăn nên nhu cầu triển khai ứng dụng ERP không nhiều. Các
dự án có quy mô cực lớn, ngân sách hàng triệu USD thường chọn các giải pháp ERP
hàng đầu thế giới như SAP, Oracle EBS... Trong khi đó, sản phẩm CNTT thương
hiệu Việt mạnh ở phân khúc thị trường vừa và nhỏ. Do đó, các dự án có quy mô
vừa thì luôn luôn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các giải pháp trong và ngoài
nước. Theo ông Long, trong nhóm thị trường này, giải pháp ERP trong nước có
nhiều lợi thế hơn như: Chi phí thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu linh hoạt, phù
hợp với đặc thù quản lý của Việt Nam hơn. Các giải pháp ERP B4Ui của SS4U cũng
nằm trong nhóm này. Riêng mảng phần mềm kế toán, nhân sự tiền lương, quản lý
nhà hàng khách sạn, quản lý trường học, bệnh viện… thì đa phần sử dụng phần mềm
thương hiệu Việt.
Bên cạnh đó, nhiều công ty phần mềm trong nước
thời gian gần đây đã ký được hợp đồng với khách hàng là các doanh nghiệp vốn
đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam như: Tinh Vân bán Histaff cho Pepsi, FPT
bán i.HRP cho Schinler, Ajinomoto… Các công ty khác như Misa, Lạc Việt cũng
ngày càng có thêm nhiều khách hàng là doanh nghiệp FDI. Các phần mềm được doanh
nghiệp FDI lựa chọn cũng khá đa dạng từ phần mềm quản trị nhân sự, kế toán đến
quản trị quan hệ khách hàng… Theo FPT, đến nay, công ty này có hơn 30 khách
hàng là doanh nghiệp FDI. Còn Misa cho biết, năm 2011, doanh thu của công ty
vẫn tăng trưởng nhờ có thêm các khách hàng mới là doanh nghiệp FDI.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy cho bước tiến mới này của
sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, đồng thời đẩy mạnh việc ưu tiên sử
dụng sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, góp phần xây dựng, bảo vệ và
phát triển thương hiệu CNTT của Việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị
trường trong nước và quốc tế,Bộ Thông tin Truyền thông và Công viên Phần mềm
Quang Trung phối hợp giới thiệu Chương trình sản phẩm và dịch vụ CNTT thương
hiệu Việt - VIBrand 2012. Các hoạt động của VIBrand 2012 bao gồm: Xây dựng
website "Danh mục các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt”, song
song đó là phát hành cuốn Cẩm nang sản phẩm dịch vụ CNTT; đăng ký nhãn hiệu
"VIBrand” và xây dựng quy chế dán nhãn cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt
Nam tiêu biểu có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất
khẩu; triển lãm sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam tiêu biểu với khoảng 80-100 gian
hàng và các hội thảo chuyên ngành nhằm tìm ra giải pháp phát triển sản phẩm và
dịch vụ CNTT thương hiệu Việt một cách hiệu quả và bền vững.
Như vậy, sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam đang
có nhiều cơ hội cần nắm bắt để có kế hoạch và chiến lược phát triển phù hợp,
tạo nên sự bứt phá trong quá trình phát triển và khẳng định thương hiệu trên
thị trường, đồng thời thể hiện lòng yêu nước, hướng ứng mạnh mẽ cuộc vận động
“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng văn hóa tiêu dùng sản
phẩm CNTT Việt Nam./.