Hội thảo “Giải quyết vấn đề chất thải rắn vùng đồng bằng sông Cửu Long”
Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2012, tại thành phố Cần Thơ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND thành phố Cần Thơ và Hiệp hội các nhà cung cấp xử lý chất thải Pháp đã phối hợp tổ chức hội thảo “Giải quyết vấn đề chất thải rắn vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Ông Trần Phi Hổ - Phó
trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có Bà Võ
Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, các chuyên gia đến từ hiệp
hội các nhà cung cấp xử lý chất thải Pháp, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của
thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo dự báo của các chuyên
gia, đến năm 2015 tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trong vùng ĐBSCL
khoảng trên 4.500 tấn/ngày, theo đó đến năm 2020 lượng chất thải trên có thể
tăng lên khoảng 7.500 tấn/ngày. Như vậy, để đảm bảo việc xử lý toàn bộ chất
thải rắn phát sinh trong thời gian tới, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo
phát triển bền vững, các địa phương cần có một quy hoạch tổng thể các khu xử lý
chất thải rắn cũng như triển khai xây dựng các hệ thống xử lý chất thải rắn đạt
yêu cầu.
Tại hội thảo, các chuyên
gia đã giới thiệu nhiều phương pháp xử lý chất thải rắn hiệu quả cũng như trao
đổi những kinh nghiệm trong xử lý chất thải rắn ở nhiều nước trên thế giới.
Trong đó, nhấn mạnh đến 4 quy tắc cơ bản: mỗi thành phố phải có cơ sở xử lý rác
thải; xử lý rác càng gần nguồn, càng tốt; người nào tạo ra rác phải
trả tiền; cần phải tăng cường những sản phẩm tái chế, phân hủy nhanh. Các công
nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải tạo ra sản phẩm là năng lượng đã thu hút các đại
biểu tham dự. Cũng trong buổi hội thảo, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã đề nghị các
tỉnh, thành phố trong vùng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, nâng
cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân về tác hại của chất thải rắn và đề nghị các
tỉnh, thành phố trong vùng rà soát lại các quy hoạch, khẩn trương triển khai
xây dựng những điểm xử lý chất thải rắn phù hợp với tình hình địa phương theo
phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính
sách để mời gọi các nhà đầu tư có khả năng và kinh nghiệm đầu tư xử lý chất
thải rắn trong vùng bằng nhiều hình thức linh hoạt và hiệu quả, từng bước khắc
phục tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn mang lại, góp phần phát
triển bền vững cho vùng ĐBSCL.