Tháo gỡ “nút thắt” cho phát triển công nghệ cao
Trong những năm gần trở lại đây, Chính phủ liên tiếp ban hành nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao (CNC), điều đó đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về việc ưu tiên phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam.
Tuy nhiên để
CNC thực sự đi vào cuộc sống và trở thành động lực phát triển của nền kinh tế
theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa còn nhiều ghập ghềnh, chông gai bởi
những “nút thắt” chưa được tháo gỡ.
Thành tựu bước đầu
Chủ trương phát triển công nghệ cao của Việt Nam dựa trên 4
lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin
truyền thông và công nghệ tự động hóa. Nhờ chủ trương đúng đắn này, công tác
đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được thổi một luồng
sinh khí mới.
Thành công bước đầu phải kể đến ứng dụng công nghệ sinh học
trong nông nghiệp: Hàng loạt giống cây trồng mới được tạo ra, đặc biệt là các
giống kháng sâu, bệnh, chịu hạn… Đối với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, các lĩnh vực công nghệ thường được ứng dụng là tạo giống bằng
công nghệ nuôi cấy mô (hoa, cây ăn quả), lai tạo giống cây năng suất cao, chất
lượng tốt, đảm bảo sạch bệnh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điển hình
là tại Đà Lạt (Lâm Đồng) với các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic
đạt giá trị sản lượng 605 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn đạt 150 triệu
đồng/ha.
Tại Hà Nội và Hải Phòng, mô hình trồng hoa và rau trong nhà
kính đã được triển khai với việc nhập khẩu nhà kính có hệ thống điều khiển tự
động, mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp, còn TP Hồ Chí Minh đã có
dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 88,17 ha. Đây là
mô hình thử nghiệm đầu tiên của Việt Nam về một khu nông nghiệp công nghệ cao
đa chức năng để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, trình diễn công nghệ mới và
chuyển giao công nghệ.
Trong khi đó, các nhà công nghệ sinh học cũng đã thành công
trong việc sử dụng công nghệ và nguyên liệu trong nước để sản xuất ra một số
loại vắcxin, chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán bệnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế
như: sản xuất thành công thuốc Artemisinin chống bệnh sốt rét và hàng năm thu
được hàng triệu USD nhờ xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực thông tin truyền thông, Việt Nam cũng đã
nghiên cứu, sản xuất thành công Chip vi xử lý RISC 8, 16, 32 bit với công nghệ
0,25um, ứng dụng chíp vi xử lý RISC VN8-01 trong các thiết bị điện tử dân dụng.
Đặc biệt chúng ta cũng đã làm chủ công nghệ chế tạo các loại thiết bị cơ khí
siêu trường, siêu trọng có độ chính xác cao như hệ thống xi lanh thủy lực trọng
tải lớn đến 400 tấn dùng trong các hệ thống đóng mở các công trình thủy lợi,
thủy điện, công nghiệp đóng tàu…
Vẫn còn những “nút thắt”
Theo TS Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ
Xây dựng: Việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra những vật liệu mới, tính
năng cao như công nghệ nano áp dụng với sơn, sứ vệ sinh… là xu thế tất yếu của
thế kỷ 21. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà sản xuất chưa thực sự quan tâm đến
việc ứng dụng KHCN trong sản xuất. Ngoài ra, đối với việc nghiên cứu tạo ra
những sản phẩm mới có giá trị cao như vật liệu nhẹ, vật liệu cách âm, vật liệu
nano… thì các nhà khoa học phải đi trước một bước bởi hiện nay chúng ta chưa
chú ý đúng mức đến các nghiên cứu cơ bản làm nền tảng cho phát triển lâu dài và
bền vững. Đồng thời nhà nước cũng cần có chính sách phát triển sản xuất vật
liệu mới nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng một cách đồng bộ và toàn
diện, tránh để tình trạng phát triển ồ ạt các nhà máy sản xuất vật liệu không
nung như trong thời gian qua trong khi thị trường vẫn chưa kịp thay đổi thói
quen sử dụng gạch nung…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có thể làm chủ công nghệ cao của
Việt Nam còn hạn chế và rất nhỏ bé so với yêu cầu cũng như ứng dụng CNC trong
các ngành kinh tế - xã hội. Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực CNC, đến năm
2020 các trường Đại học cần tuyển 30.000 sinh viên CNTT, 25.000 sinh viên công
nghệ sinh học, 25.000 sinh viên CN tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ
vật liệu. Bên cạnh đó phải đào tạo khoảng 28.000 người trình độ sau đại học về
các lĩnh vực này, thế những hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường đại học
về CNC còn rất thiếu.
Theo TS Mai Hà, Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN:
việc thiếu hụt nhân lực, yếu về trình độ, thiếu các chuyên gia và tổng công
trình sư đầu đàn cùng với sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu
sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng
thương mại hóa.
Bên cạnh đó Luật CNC còn nhiều bất cập, mặc dù Luật có hiệu
lực thi hành từ ngày 1/07/2009, song trong quá trình thực thi cụ thể vẫn còn
gặp khá nhiều lúng túng và bất cập. Cách thức tổ chức và mô hình hoạt động của
các khu công nghệ cao cũng có nhiều điểm khác nhau. Vì vậy, việc tìm tiếng nói
chung trong vấn đề này là vô cùng cần thiết, là cơ sở để đưa Luật Công nghệ cao
đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả của các khu CNC.