Nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN tại TP.HCM
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nhân rộng mô hình Khu nông nghiệp công nghệ cao, các điển hình doanh nghiệp áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng cạnh tranh tại TP. Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng thăm khu ươm
tạo các loài hoa lan quý, có giá trị thương mại cao tại Khu nông nghiệp công
nghệ cao.
Ảnh: VGP/Từ Lương |
Ngày 20/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra và đánh giá tình hình triển
khai các chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô
hình tăng trưởng kinh tế, triển khai quy hoạch phát triển nhân lực, đào tạo
theo nhu cầu xã hội tại TP Hồ Chí Minh.
Nhân rộng mô hình Khu
nông nghiệp công nghệ cao
Thăm Ban Quản lý Khu nông nghiệp công
nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, mô hình đầu tiên của cả nước trong lĩnh vực này, Phó
Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra những yêu cầu mới trong giai đoạn hiện nay
và đúc kết một số bài học kinh nghiệm lớn trong xây dựng mô hình, hoàn thiện
chính sách của một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh quyết
định xây dựng năm 2004, năm 2007 bắt đầu đi vào hoạt động, Khu nông nghiệp
công nghệ cao đặt tại huyện Củ Chi là mô hình với nhiều ý tưởng kinh tế mang
tính đột phá gắn liền với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Khu có chức năng như một cầu
nối giữa nhà nước, nhà khoa học và những người làm nông nghiệp. Đơn vị này có
nhiệm vụ hoàn thiện các quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,
xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao ra bên ngoài; giới thiệu, cung
cấp các giống cây, con đã được ươm tạo, khảo nghiệm kỹ lưỡng về năng suất, chất
lượng và phù hợp với điều kiện TP, góp phần làm thay đổi cách làm nông nghiệp
truyền thống.
Trong những năm qua, Ban Quản
lý Khu nông nghiệp công nghệ caoTP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 13 đề tài cấp
TP tập trung nghiên cứu hoa lan, các loại rau, cá cảnh cao cấp, chế phẩm sinh
học đem lại chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vượt trội.
Phó Thủ tướng đánh giá Khu nông
nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là một điển hình giúp các địa phương rút
ngắn thời gian tìm hiểu kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn
đầu tư và kết quả đầu ra của những kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học trong nông
nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Hậu
Giang tiếp thu kinh nghiệm, học tập mô hình xây dựng, quản lý của Khu nông
nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, nhanh chóng áp dụng, triển khai tại tỉnh
Hậu Giang.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân đề nghị TP Hồ Chí Minh có những bước đi chắc chắn để nguồn nhân lực chất
lượng cao trở thành sức mạnh, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế -
xã hội. - Ảnh: VGP/Từ Lương
Nhân lực - yếu tố quyết định để tăng
sức cạnh tranh
Chiều cùng ngày,
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác đã có buổi làm việc
với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình triển khai quy hoạch phát triển nhân lực,
đào tạo theo nhu cầu xã hội và tình hình đổi mới công nghệ nâng cao chất
lượng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản,
đồng bộ và đúng hướng trong công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho tất cả những
lĩnh vực của TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng đề nghị hàng năm TP cần tổ chức sơ
kết để rút ra các kinh nghiệm hay, hạn chế những điểm chưa hợp lý trong quá trình
thực hiện. Từ đó, có những bước đi chắc chắn để nguồn nhân lực chất lượng cao
phải trở thành sức mạnh, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của
TP.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm
2013, TP cần tổng hợp báo cáo điển hình của các doanh nghiệp đã áp dụng khoa
học công nghệ để nâng cao chất lượng cạnh tranh, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Năm 2012, Sở Khoa học và Công
nghệ TP đã tuyên truyền, phổ biến các chương trình khoa học và
công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đến các doanh nghiệp trên địa bàn, như hướng dẫn,
tư vấn doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KHCN; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký
hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Sở cũng giúp triển khai
một số chương trình KHCN hỗ trợ doanh nghiệp như Chương trình nâng cao năng lực
nghiên cứu thiết kế, chế tạo và chuyển giao thiết bị mới, chương trình thiết
kế, chế tạo thiết bị trong nước thay thế nhập khẩu và chương trình robot công
nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả, chương trình phát triển các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ,
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, tính chủ động và tích cực
tham gia của doanh nghiệp còn khiêm tốn (trong số hơn 850 doanh nghiệp được
khảo sát, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đăng ký tham gia). Nguyên nhân là các doanh
nghiệp ngại bộc lộ nhu cầu, lúng túng khi cần tìm thông tin và chưa mạnh dạn sử
dụng nguồn chuyên gia tư vấn phục vụ nhu cầu đổi mới công nghệ.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một
số kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về quy trình xét tuyển, chỉ tiêu về chuyên viên
chính, chuyên viên cao cấp, đào tạo cán bộ, chương trình tín dụng học sinh sinh
viên, việc thành lập quỹ khoa học công nghệ của TP.