SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mở rộng công nghệ chế biến sâu quặng cromit

[24/12/2012 10:31]

Quặng cromit tập trung chủ yếu tại mỏ Cổ Định, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, dưới 2 dạng: Quặng sa khoáng và quặng gốc, trữ lượng khoảng 25 triệu tấn. Do giá trị kinh tế cao, loại quặng này đã được nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác. Tuy nhiên, hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào công nghệ được sử dụng.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép cho 6 DN thực hiện dự án chế biến quặng cromit. Các DN đã thực hiện nhiều giải pháp công nghệ tuyển quặng: Khai thác bằng súng bắn nước phối hợp máy xúc và máy gạt phụ trợ; khai thác bằng tàu cuốc; công nghệ khai thác bằng sức nước... Mới đây, Công ty CP Cromit Cổ Định đã đưa vào hoạt động 4 dây chuyền sản xuất sử dụng công nghệ khai thác sức nước với công suất hàng chục nghìn tấn quặng/năm. Công ty CP Cromit Nam Việt cũng sản xuất và chế biến thành công quặng cromit sơ chế. Đây là thành công đáng kể trong công nghiệp khai thác quặng cromit, góp phần  hạn chế việc khai thác và bán quặng thô. Những sản phẩm sơ chế từ quặng cromit của Công ty Nam Việt dự kiến sẽ trở thành nguồn nguyên liệu của các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời có thể tham gia xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ với giá trị cao. Một số DN đã nghiên cứu chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và đề xuất các giải pháp công nghệ tuyển làm giàu và chế biến sâu (luyện kim, hóa chất…) nhằm thu hồi quặng tinh cromit.

Bộ KH&CN đã giao Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim chủ trì nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình công nghệ tuyển và sử dụng hợp lý quặng cromit và các khoáng sản đi kèm trong mỏ cromit Cổ Định, Thanh Hóa”. Đây là căn cứ khoa học tham khảo khi lập các dự án khai thác, chế biến quặng cromit, giúp thu hồi sản phẩm quặng tinh cromit có hàm lượng Cr2O3 49%; quặng tinh niken có hàm lượng Ni >1,2%, đạt tiêu chuẩn chất lượng chế biến sâu. Đồng thời, tận thu và xử lý nâng cao chất lượng bentônit để sử dụng trong các lĩnh vực tẩy màu, xử lý môi trường.

Đề tài đã thử nghiệm sản xuất thành công niken sunfat theo phương pháp Ccron từ quặng, thu hồi sản phẩm có chất lượng 99,0% NiSO4.6H2O; nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất ferrocrom cacbon cao và thấp, có hàm lượng Cr> 50% và hàm lượng C<0,9%. Hiện công nghệ sản xuất ferrocrom cacbon cao đã trược triển khai vào sản xuất. Công nghệ sản xuất ferrocrom cacbon thấp đang được nghiên cứu hoàn thiện, sản xuất thử nghiệm ở quy mô dự án do Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim chủ trì.

Theo TS Đào Duy Anh (Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim), để khai thác triệt để, nâng cao hiệu suất thu hồi và sử dụng quặng cromit, cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp công nghệ đã thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ của các công trình nghiên cứu đã thực hiện trước đây, như: Công nghệ khai thác quặng, công nghệ tuyển khoáng nâng cao…; thu hồi các nguyên tố có ích đi kèm và nghiên cứu loại bỏ sắt trong quặng, nhằm nâng cao tỉ lệ Cr2O3/FeO, đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu cho luyện kim; xây dựng các chính sách cụ thể về đầu tư, có các chế tài mạnh hơn, giúp triển khai nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Trong đó, chú trọng đến sản phẩm chủ đạo là ferrocrom cacbon thấp, vì đây là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép hợp kim có các đặc tính ưu việt và sử dụng quặng cromit, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung công nghệ khai thác.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ