Ðánh giá doanh nghiệp bằng năng lực đổi mới công nghệ
Trình độ công nghệ của doanh nghiệp quyết định đến tăng trưởng và phát triển nền kinh tế mỗi quốc gia. Hiện trạng công nghệ của ngành và lĩnh vực sản xuất, năng lực thích ứng và khả năng đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp có thể được kiểm định bằng khả năng cạnh tranh, mức độ tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước trên thị trường trong và ngoài nước và do đó liên quan đến khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Công
ty cổ phần thiết bị bưu điện (POSTEF) đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để
sản xuất cáp quang cung cấp cho mạng viễn thông thay thế cho hàng nhập khẩu.
Ảnh: Ðăng Hồng |
Thực trạng công nghệ
của doanh nghiệp
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về chuyển giao công nghệ, nếu tính đến
năm 2005 chỉ số ứng dụng công nghệ của nước ta chỉ đứng thứ 92/117, chỉ số đổi
mới công nghệ có cao hơn nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan 42 bậc, tỷ lệ sử dụng công
nghệ cao thấp, chỉ vào khoảng 20% trong khi các nước trong khu vực như Philipin
là 29%, Malaixia 51%, Singapo 73%. Theo cơ quan tình báo kinh tế (EIU), chỉ số
sẵn sàng điện tử của Việt Nam xếp thứ 61/65 quốc gia được điều tra, kém
Malaixia 30 bậc và kém Singapo đến 54 bậc.
Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật đã và đang tạo ra các sản phẩm thấp và
không ổn định, làm hạn chế khả năng cạnh tranh bằng giá (khi giá thành các sản
phẩm trong nước thường cao hơn các sản phẩm nhập khẩu từ 20 đến 40%). Ðây là hệ
quả việc sử dụng các công nghệ tụt hậu từ hai, ba thế hệ, chưa làm chủ được
công nghệ nguồn, chậm đổi mới công nghệ. Một trong những yếu tố quan trọng cho
đổi mới công nghệ là nguồn nhân lực KH&CN. Theo các số liệu điều tra gần
đây cho thấy nguồn lực quan trọng này chỉ chiếm 7,24% lực lượng lao động, trong
đó có 71,9% trình độ đại học, 26,9% cao đẳng, 0,9% thạc sĩ, trình độ tiến
sĩ là 0,14% và phân bố không đều, ngoài ra còn nhiều bất hợp lý khác trong các
doanh nghiệp.
Hiện nay việc chuyển giao công nghệ được thực hiện qua hai hình thức chính
là qua các dự án liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn
nước ngoài (FDI) chiếm tới 90% và thông qua việc mua bán công nghệ trên thị
trường chỉ chiếm khoảng 10% còn lại. Tuy nhiên nhiều hợp đồng công nghệ thực
hiện theo hình thức thứ nhất cũng chỉ tập trung vào khai thác nhân công rẻ, giá
đất thấp, tiêu tốn năng lượng và tránh các tiêu chuẩn môi trường ở chính các
quốc gia đầu tư, do vậy hàm lượng công nghệ được chuyển giao còn thấp, chủ yếu
là các công đoạn cuối cùng trong chuỗi giá trị.
Xem xét việc sử dụng vốn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển cho thấy chỉ
có 87,2% dùng vào mục đích đổi mới công nghệ, nhưng chủ yếu tập trung ở các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với 90,6% tổng nguồn vốn thực hiện. Ðối
với các doanh nghiệp nhà nước, do còn vị thế độc quyền nên không chịu sức ép
cạnh tranh, có tâm lý dựa dẫm vào sự bảo hộ của Nhà nước, do vậy vốn dành cho
đổi mới công nghệ chỉ chiếm 8,7%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ chiếm 0,67%,
trong khi đó hầu hết các nước phát triển chi phí dành cho nghiên cứu phát
triển, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường, nhu cầu khách hàng chiếm tỷ
trọng khá lớn trong cơ cấu chi phí nhằm tạo ra công nghệ mới, nâng cao chất
lượng sản phẩm, năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo, hiện đại,
đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của khách hàng, làm tăng hiệu quả kinh doanh và
tạo vị thế vững chắc trên thị trường.
Từ những nguyên nhân nói trên dẫn đến sức cạnh tranh yếu của các sản phẩm
thương mại, dịch vụ dẫn đến hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp bị đình đốn sản
xuất, "chết lâm sàng" và phá sản, tình trạng nợ xấu gây khó khăn cho
hoạt động đổi mới công nghệ, khả năng sáng tạo sản phẩm mới.
Doanh nghiệp đổi mới
công nghệ theo hướng nào
Kinh nghiệm từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển dựa trên năng lực
đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ lấy
doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nền tảng, làm trụ cột cho sự phát triển bền vững
dựa trên yếu tố công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy khi xuất hiện khủng
hoảng cũng là cơ hội để cơ cấu lại hệ thống, tiến hành cải tạo doanh nghiệp,
tạo ra các giá trị mới thông qua sự hợp nhất, sử dụng chung thiết bị công nghệ
mới, đặt hàng mua chung để giảm chi phí đầu vào khi đổi mới công nghệ. Việc cải
tạo, đổi mới doanh nghiệp, hình thành hệ thống mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và
vừa một cách khoa học và hợp lý đã tạo ra sức sống mới, giá trị mới cho các
doanh nghiệp sau khủng hoảng.
Ðể hiện thực hóa việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, cần tiến hành
rà soát, phân loại chính xác hiện trạng công nghệ của các doanh nghiệp, xem xét
nhu cầu đổi mới công nghệ của ngành, lĩnh vực sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh
tranh quốc gia như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp phụ trợ. Cần áp dụng các
mô hình công ty mẹ, công ty con trong quá trình đổi mới công nghệ trong doanh
nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phụ trợ, hình thành
các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp KH&CN trong hệ thống công ty mẹ,
công ty con.
Trong mô hình này các công ty mẹ sẽ đảm nhận là đầu tiếp thu công nghệ,
tiến hành nghiên cứu cải tiến đổi mới và hoàn thiện công nghệ cho phù hợp chiến
lược kinh doanh, sản phẩm, thị trường (vai trò tổ chức hoạt động NC-PT). Sau đó
các công đoạn trong quy trình công nghệ mới được triển khai trong hệ thống các
công ty con. Như vậy, các công ty con sẽ đảm nhận vai trò tiếp nhận công nghệ,
tiếp nhận kết quả NC-PT, tổ chức sản xuất (bên cầu công nghệ) theo đặt hàng của
công ty mẹ. Mặt khác, các công ty con chính là đối tác nêu vấn đề, đề xuất và
đặt hàng công nghệ đối với công ty mẹ, qua đó nhanh chóng tạo ra các sản phẩm
mới.
Với mô hình này, số lượng các sản phẩm, quy mô của sản xuất theo trình độ
công nghệ được cung - cầu sẽ được thực hiện chặt chẽ, phù hợp nhu cầu thị
trường, năng lực sản xuất của từng công ty con cũng như khả năng thương mại,
năng lực nghiên cứu, đổi mới công nghệ của công ty mẹ.