Ngành công nghiệp robot: Nhiều thách thức
Nhận thức được nhu cầu và hiệu quả cao của robot, nhiều doanh nghiệp, tổ chức khoa học- công nghệ đã bước đầu nghiên cứu, chế tạo robot, nhất là robot công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, tại Việt Nam, ngành công nghiệp robot vẫn chưa hình thành một cách rõ nét.
Theo ông Trần Thanh Thủy - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu
điện tử, tin học, tự động hóa (Bộ Công Thương), Việt Nam đã có những bước tiến
đáng kể trong nghiên cứu robot. Các nghiên cứu chủ yếu liên quan đến vấn đề
động học, động lực học, thiết kế quỹ đạo, xử lý thông tin cảm biến, điều khiển
và phát triển trí thông minh. Đặc biệt, trong lĩnh vực điều khiển robot, ngoài
các phương pháp điều khiển truyền thống thì những phương pháp điều khiển thông
minh như: Điều khiển sử dụng mạng nơ ron, logic mờ, thuật gen cũng được đề cập,
áp dụng tại các tổ chức KH-CN. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu khoa
học về robot đã được công bố trên các tạp chí khoa học kỹ thuật trong và ngoài
nước, hoặc báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế về robot. Đã xuất hiện đề
tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước thuộc các lĩnh vực tự động hóa, cơ khí chế
tạo do các tổ chức KH-CN như: Đại học Bách khoa Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; Viện
Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa (Bộ Công Thương)... thực hiện có liên
quan đến ngành công nghiệp robot.
Về cơ bản, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển được các loại
robot thông minh, nhưng do cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; ngành công
nghiệp hỗ trợ công nghiệp robot chưa phát triển; các thiết bị kiểm tra, kiểm
định chất lượng robot chưa có hoặc có chưa đầy đủ; quy mô thị trường còn hạn
hẹp nên không đủ điều điện để phát triển robot dạng này. Xu hướng hiện tại vẫn
dừng lại ở việc phát triển các loại robot công nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh robot vẫn phát triển mang tính tự phát.
Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do chính sách, khung
pháp lý phát triển ngành công nghiệp này còn hạn chế. Việt Nam không có nhà máy
với đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm định chất lượng sản phẩm robot công
nghiệp. Thị trường cho các sản phẩm robot được chế tạo trong nước chưa được tạo
lập. Các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa nhập khẩu những sản phẩm robot
mà trong nước sản xuất được cũng chưa được ban hành. Công tác đào tạo, phát
triển nguồn nhân lực còn thiếu và yếu.
Để phát triển ngành công nghiệp robot tại Việt Nam, ông Trần Thanh
Thủy cho rằng, quan trọng hơn cả vẫn là thị trường. Phải có thị trường thì mới
có thể thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Cho đến nay, các đề tài nghiên cứu
khoa học và phát triển công nghệ robot sau khi nghiệm thu hầu như không thể
tiếp tục triển khai được thành các dự án sản xuất thử nghiệm bởi không có thị
trường, không có người mua. Không có đơn đặt hàng, ít tổ chức KH-CN nào dám sản
xuất thử nghiệm, vì vốn cho các dự án đều là vốn vay.
Một yếu tố quan trọng khác là sự hỗ trợ của nhà nước. Cần ban hành
các chính sách vĩ mô như: Chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài
nước; chính sách cho nghiên cứu phát triển, đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn
nhân lực; chính sách phát triển thị trường; hình thành những ngành học, ngành
đào tạo và nghiên cứu chuyên về robot. Đặc biệt, phải hình thành nên một số
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh robot đầu đàn, tạo nền tảng để phát triển
ngành công nghiệp robot.
TS.Phạm Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Cơ điện tử Việt Nam - đề xuất:
Nước ta đi sau các nước trong chế tạo robot, do vậy, cần nghiên cứu những loại
robot công nghiệp thay thế con người trong điều kiện làm việc khó khăn, nặng
nhọc, môi trường độc hại. Những loại robot này sẽ tạo cơ hội cạnh tranh cho
robot Việt Nam trên thị trường. |