Việt Nam đủ tự tin để điều khiển hai quả vệ tinh VINASAT
Vào những ngày đầu năm mới Quý Tỵ 2013, chúng tôi đến thăm Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương thuộc Trung tâm Thông tin vệ tinh của công ty Viễn thông quốc tế nằm tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nơi đây đang vận hành, khai thác cả hai vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam là VINASAT-1 và VINASAT-2.
Hệ thống điều khiển VINASAT-1 và VINASAT-2
Những cán bộ, kỹ sư ở đây
đang làm việc với tất cả lòng nhiệt tình để đảm bảo cho hai quả vệ tinh hoạt
động an toàn, giữ cho hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt.
Khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của người dân Việt Nam
Cách đây gần 9 tháng, ngày
16/5/2012, vệ tinh VINASAT-2 được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh tại vị trí 131,8o
Đông bằng tên lửa Arian 5 của Công ty Vận tải hàng không vũ trụ châu Âu
Arianespace từ bãi phóng Kouru ở Guyana (Nam Mỹ), với vùng phủ sóng gồm Việt
Nam và các nước Đông Nam Á.
Thế là từ năm 2008 cho đến
nay, Việt Nam
đã có 2 quả vệ tinh được phóng lên quỹ đạo. Mặc dù cả hai vệ tinh đều không
phải do Việt Nam sản xuất, mà
do đối tác nước ngoài chế tạo và phóng ở địa phận quốc tế, nhưng việc phóng vệ
tinh đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của
người dân Việt Nam.
Hai vệ tinh được phóng thành công cũng đã khẳng định, Việt Nam có tên trên bản đồ vệ tinh
không gian thế giới, sở hữu vệ tinh viễn thông riêng của mình.
Vệ tinh VINASAT-2 cùng với
vệ tinh VINASAT-1 (được phóng thành công năm 2008) tạo thành một hệ thống vệ
tinh có khả năng dự phòng về dung lượng, góp phần khẳng định chủ quyền không
gian của quốc gia, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, nâng cao
vị thế của Viễn thông Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần phát triển kinh tế
xã hội cũng như nâng cao năng lực an ninh quốc phòng của đất nước. Điều này
được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ngay sau khi phóng thành công vệ tinh VINASAT-2:
“Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 là các dự án được Đảng và Nhà nước
đặc biệt quan tâm. Đây là các dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội to
lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong không gian, góp phần nâng
cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Ông Hoàng Phúc Thắng,
trưởng Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương giải thích: “Hai quả vệ tinh được phóng
thành công đã khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian cũng như quyết tâm
của Việt Nam muốn khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh
đã đăng ký tại vị trí 131,8 độ Đông, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên quỹ đạo
vệ tinh đã được Liên minh Viễn thông quốc tế phân bổ cho nước ta trong thời
gian đã định. Nếu Việt Nam
không phóng vệ tinh vào năm 2008 thì vị trí quỹ đạo đó sẽ được phân bổ cho nước
khác”.
Tháng 3/2013, Việt
Nam
có thể tự điều khiển được vệ tinh
Là người trực tiếp chỉ đạo
các kỹ sư vận hành vệ tinh từ khi có VINSAT -1 và đến nay là VINASAT-2, ông
Hoàng Phúc Thắng cho biết: Hơn 4 năm phóng vệ tinh VINASAT-1, đến nay, dung
lượng của quả vệ tinh này đã được sử dụng tới hơn 90%.
Còn đối với VINASAT-2, sau
khi phóng được gần 9 tháng, vệ tinh đã đi vào hoạt động ổn định, chỉ tiêu kỹ
thuật tốt và có thể cung cấp những dịch vụ tốt cho khách hàng. Từ khi bắt đầu
thực hiện dự án vệ tinh VINASAT-2, Trung tâm thông tin vệ tinh đã phối hợp với
Nhà thầu Lockheed Martin (Mỹ) thực hiện những khóa đào tạo, huấn luyện cho cán
bộ, kỹ sư về những kỹ năng điều khiển, khai thác vệ tinh.
Việc vận hành vệ tinh
VINASAT-2 cũng tương tự như VINASAT-1. Tuy nhiên, khi khai thác đồng thời hai
quả vệ tinh có vị trí gần nhau thì công việc kỹ thuật cũng có những khó khăn
nhất định, đặc biệt là vấn đề can nhiễu, nhưng các cán bộ, kỹ sư của Đài Điều
khiển vệ tinh Quế Dương luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo cho 2 quả vệ tinh hoạt
động an toàn, ổn định trên quỹ đạo.
Theo thông lệ, đối với nhà khai thác vệ tinh lần đầu như Việt Nam thì phải
mất khoảng 36 tháng mới có thể tiếp nhận được hoàn toàn các công đoạn điều
khiển. Tuy nhiên, với sự nỗ lực hoạc hỏi và tích lũy kinh nghiệm của cán bộ, kỹ
sư, Việt Nam
đã tự điều khiển vệ tinh VINASAT-1 trong vòng 27 tháng.
Với những kinh nghiệm đã vận hành VINASAT-1, Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương
có thể rút ngắn được thời gian chuyển giao cũng như chuyên gia hỗ trợ công việc
điều khiển VINASAT-2. Dự kiến, đến tháng 3/2013, Việt Nam có thể tự chủ động
điều khiển được cả hai quả vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 mà không cần tới sự
hỗ trợ trực tiếp của chuyên gia nước ngoài.
Ông Kent Mitchell, chuyên
gia hỗ trợ kỹ thuật của Nhà thầu Lockheed Martin khẳng định: “Sau hơn 6 tháng
làm việc ở Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương, tôi thấy các cán bộ, kỹ sư Việt Nam rất thông
minh, có tinh thần cầu thị, ham học hỏi kinh nghiệm, kiến thức điều khiển, vận
hành vệ tinh. Tôi hoàn toàn tin tưởng trong một thời gian ngắn nữa, các kỹ sư sẽ
chủ động trong việc điều khiển cả hai quả vệ tinh mà không cần tới chuyên gia
nước ngoài trợ giúp”.
Sẽ nỗ lực khai
thác hiệu quả cả 2 vệ tinh
Tiếp nhận VINASAT-2 từ đối
tác Lockheed Martin (Mỹ), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã giao
cho Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I) quản lý, vận hành, khai thác. VINASAT-2
bắt đầu cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ ngày 15/8/2012.
Theo ông Lâm Quốc Cường,
Giám đốc Công ty VNPT-I: Thời gian qua, công tác vận hành, điều khiển vệ tinh
VINASAT-1 và VINASAT-2 diễn ra thuận lợi. Các thông số kỹ thuật đều đảm bảo.
Doanh thu kinh doanh dịch vụ vệ tinh năm 2012 đạt kế hoạch được giao, tăng 16%
so với năm 2011.
Việc đưa hai vệ tinh viễn
thông vào khai thác đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hạ
tầng, năng lực viễn thông quốc gia cũng như kết nối thông tin với các nước khác
trên thế giới, đáp ứng dung lượng cho các Đài truyền hình, phát thanh, các nhà
khai thác viễn thông phát triển thông tin, truyền thông đến mọi miền của Tổ
quốc.
Hiện nay, VNPT-I đã cung
cấp hàng trăm trạm thông tin vệ tinh mặt đất cỡ nhỏ (VSAT) để phục vụ thông tin
liên lạc đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo- những nơi mà các phương
tiện truyền dẫn khác chưa thể đáp ứng được. Ngoài ra, vệ tinh VINASAT-2 còn
được dành một phần dung lượng để phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng, ứng
cứu thông tin khẩn cấp trong phòng chống bão lũ.
Mặc dù việc kinh doanh vệ
tinh đạt được kế hoạch được giao nhưng ông Lâm Quốc Cường vẫn băn khoăn:
“VINASAT-1 đã được khai thác tới trên 90% nhưng việc lấp đầy VINASAT 2 sẽ khó
khăn hơn do thị trường vệ tinh đang cạnh tranh mạnh mẽ. Trước kia, Việt Nam đều phải đi
thuê vệ tinh, nay có vệ tinh của riêng mình. Tuy nhiên, Việt Nam phóng vệ
tinh trong khi các nước trong khu vực đều đã có vệ tinh. Để có thể cạnh tranh
được với các nước, giá cước cho thuê băng tần phải rẻ, phải có chính sách bán
hàng hợp lý. Kinh doanh vệ tinh thường dài hạn, phải có lộ trình để hoàn vốn”.
Trong điều kiện kinh doanh
khó khăn, ngoài các khách hàng trong nước, VNPT-I sẽ tiếp tục chú trọng tìm đối
tác, khách hàng nước ngoài như Lào, Campuchia,
Myanmar và các
nước khác…
Theo ông Lâm Quốc Cường,
tuổi thọ của VINASAT-2 có thể kéo dài tới 20 năm, thay vì thiết kế 15 năm như
lúc đầu. Hy vọng rằng, chỉ sau 10 năm, VINASAT-2 có thể hoàn vốn và bắt đầu có
lãi.
Dù phía trước còn nhiều
khó khăn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với sự đoàn kết và nỗ
lực hết mình, Việt Nam
có thể khai thác và vận hành hai quả vệ tinh đạt hiệu quả.
Chia tay các anh, chị em
Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương trong tiết trời se lạnh của mùa Xuân mới đang
đến, tôi còn nhớ mãi câu nói của kỹ sư Nguyễn Trường Minh: “Làm việc ở Đài Điều
khiển vệ tinh có những đặc thù riêng như đêm hôm, thời tiết khắc nghiệt vẫn
phải làm việc. Đặc biệt là đối với nữ giới đã có gia đình và con nhỏ thì tương
đối vất vả. Tuy nhiên, tất cả các kỹ sư của Đài đều có tinh thần tương trợ,
chia sẻ khó khăn với nhau để hoàn thành nhiệm vụ”.
Dịp Tết Quý Tỵ, trong số
những cán bộ, kỹ sư Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương, có nhiều người phải xa
gia đình, ở lại trạm để làm việc nhưng họ đều coi đó là trách nhiệm và niềm tự
hào khi được trực tiếp điều khiển hai quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt
Nam./.